Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm (BH) rất ủng hộ chủ trương chung của Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Tuy nhiên, họ còn băn khoăn nhiều điểm mà nếu không được khắc phục, có thể đi theo “vết xe đổ” trước đây.
Trở ngại từ sản xuất cũ
Cách đây không lâu, các doanh nghiệp BH đã cùng đoàn cán bộ Bộ Tài chính đi thực địa các vùng nuôi tôm trong toàn tỉnh Sóc Trăng. Kết quả cho thấy: Nông dân còn thiếu vốn sản xuất, khó bề hoàn thiện mô hình lớn khi chưa có đầu tư bổ sung, cũng như thiếu kỹ năng canh tác theo hệ thống mới, tiến bộ hơn.
Điều này cũng phù hợp một điểm chung trong các nhận định của doanh nghiệp BH, đó là nên có sự đồng thuận cao về sản xuất. Phải tổ chức lại sản xuất, vừa giúp nông dân sản xuất theo quy chuẩn, vừa có sự giám sát chung của cộng đồng, vừa phát huy được các giá trị cạnh tranh, ổn định môi trường sản xuất chung và đi sâu sản xuất hàng hóa, mô hình sản xuất cộng đồng có sức bền vững kinh tế - xã hội, lẫn môi trường.
Ông Trần Thanh Lạc - quyền Giám đốc BH Bảo Việt, Chi nhánh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Nông dân cũng cần được trang bị kỹ thuật tiến bộ để ứng dụng thành tựu khoa học vào sản xuất và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật trong nội dung BHNN”.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Tính - Giám đốc BH Bảo Minh, Chi nhánh Sóc Trăng: Thị trường nông thôn rộng lớn, nên BHNN là việc làm dài hạn, lại được Chính phủ hỗ trợ phí BH từ đầu vào, nên doanh nghiệp tham gia BHNN yên tâm.
Tuy nhiên, theo ông Tính, nhận thức của nông dân về BHNN cần được quan tâm và “đầu tư” nhiều nhất. “Nếu nhà nông nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của BHNN, họ vẫn tự nguyện tham gia BHNN mà không cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước - ông Tính nói.
Cần sự hợp sức của nhiều cơ quan
Trả lời phỏng vấn NTNN về giải pháp giúp doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào thị trường BH, ông Lê Hoàng Phong - Phó Giám đốc BH Bảo Việt, Chi nhánh Cà Mau khẳng định: “Cần quan tâm nhiều đến khâu phối hợp hành động. Thứ nhất, cần vai trò các tổ chức như Hội Nông dân, chính quyền địa phương cần nêu cao trách nhiệm trong giám sát, động viên nông dân gắn với mô hình sản xuất và tổ chức sản xuất và BHNN…Về phía doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần có thêm nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp.
Trao đổi với NTNN, ông Tạ Lý Trung Nhân - Phó Giám đốc BH Bảo Minh, Chi nhánh Bạc Liêu, bộc bạch: Nguyên tắc của DN là mong muốn có số đông nông dân tham gia BH, để có thể hạch toán bù cho số ít bị thiệt hại.
Bởi lẽ, lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều rủi ro vì phụ thuộc nhiều yếu tố, lại có ít người tham gia như trước đây, nên công ty BH dễ bị thua lỗ. Do vậy, để tránh chuyện trên, các DNBH cần được nâng mức chi phí bảo hiểm lên đủ mức cần thiết, ít nhất cũng bằng ngưỡng dự báo rủi ro, khi đó, chắc DN an toàn, sẽ mặn mà hơn với BHNN.
Cũng theo ông Tính, cần xem xét thêm phương thức bảo hiểm theo ngưỡng năng suất của từng đối tượng sản xuất tham gia BHNN. Làm đúng chuẩn mà năng suất dưới ngưỡng thì được bù đắp, còn trên ngưỡng nông dân hưởng lợi, có như thế sẽ kích thích nhà nông làm tốt hơn. “Ngoài hỗ trợ phí BH cũng cần xét đến yếu tố đầu tư vốn bổ sung, giúp nông dân hoàn thiện mô hình theo quy chuẩn của bộ chuyên ngành” - ông Tính nói.
Đối tượng được bảo hiểm và khu vực thực hiện thí điểm:
- Thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.
- Thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội.
- Thực hiện bảo hiểm đối với nuôi trồng thủy sản cá tra, cá basa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
|
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://www.danviet.vn/37677p1c34/doanh-nghiep-mong-duoc-tiep-suc.htm