Bình Định đột phá lúa lai?

01/04/2011

Với diện tích sản xuất lúa hàng năm từ 115.000-125.000 ha, mỗi năm Bình Định cần đến khoảng 15.000 tấn giống. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, trong những năm qua Bình Định thực hiện chuyển đổi nhiều diện tích SX 3 vụ bấp bênh sang SX 2 vụ/năm. Để bảo đảm an ninh lương thực, Bình Định luôn tìm tòi những giống lúa lai cho năng suất cao để đưa vào sản xuất.

Ông Hồ Ngọc Hùng-Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định khẳng định: “Trong những năm qua, trong tiến trình đô thị hóa, nhiều diện tích đất sản xuất ở Bình Định đã phải nhường chỗ cho những công trình khác. Đất nông nghiệp ngày càng teo tóp, vụ sản xuất/năm giảm xuống, để bảo đảm tổng sản lượng lương thực ổn định ở con số 640.000 tấn/năm chỉ có mỗi giải pháp là đưa các giống lúa có tiềm năng năng suất cao vào SX, điển hình là lúa lai”.
Thế nhưng khi đụng đến giống lúa lai, người sản xuất phải đối mặt với giá giống quá, nguồn giống cũng không chủ động, lúc có lúc không vì lệ thuộc nhiều vào nguồn giống nhập khẩu. Đắt hàng, chuyện cung ứng lập tức trở nên xô bồ, người sản xuất chẳng được mấy yên tâm về chất lượng giống. Ông Lại Đình Hòe - Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) thừa nhận: “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy chất lượng của các giống lúa lai được đưa vào SX trên địa bàn DHNTB trong những năm qua không được ổn định”.
Trước thực tiễn này, ngành nông nghiệp Bình Định luôn ưu tiên dành kinh phí cho công việc tìm tòi, khảo nghiệm những giống lúa lai mới để so sánh, chọn lọc ra những giống phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo ngon để cung ứng cho nông dân. Trong vụ đông xuân này, Trung tâm Giống cây trồng Bình Định đã phối hợp với Cty TNHH Cường Tân khảo nghiệm 4 giống lúa lai mới tại thôn Thuận Thái, xã Nhơn An (An Nhơn-Bình Định). Đó là các giống Nhị ưu 838 dòng mới, TH 7-2, TH 3-3 và CT 16 so với giống lúa đối chứng là Nhị ưu 838.
Kết quả cho thấy rất khả quan, bộ giống lúa nói trên đều cho năng suất từ 70-91 tạ/ha. Đặc biệt giống Nhị ưu 838 dòng mới cho năng suất đến 91 tạ/ha. Càng đặc biệt hơn, giống TH 3-3 cho chất lượng gạo ngon, có thời gian sinh trưởng ngắn từ 100-105 ngày, thấp cây chống ngã đổ và thích hợp trên mọi chân đất và mọi thời vụ. Nông dân Phan Đình Phùng ở thôn Thuận Thái cho hay: “Trong vụ đông xuân này gia đình tôi SX được 6 sào lúa, đây là lần đầu tiên được sử dụng những giống lúa lai mới do Cty TNHH Cường Tân cung ứng. Quả là những giống lúa tốt, rất hấp dẫn. Từ nay tôi sẽ duy trì miết những giống lúa này”.
Ông Lê Minh Toán-Phó chủ tịch UBND huyện An Nhơn bày tỏ: “An Nhơn SX 7.400 ha lúa, trong đó có khoảng 5.400 ha được chuyển từ 3 vụ sang SX 2 vụ/năm nên chúng rất ghiền những giống lúa lai năng suất cao mà ngán ngày. Qua cuộc khảo nghiệm lần này, chúng tôi nhận thấy những giống lúa nói trên đều phù hợp với địa phương, vừa cho năng suất cao vừa cho gạo ngon đáp ứng được với người tiêu dùng hiện nay”.
GS.TS Nguyễn Thị Trâm, tác giả bộ giống lúa lai nội TH, bộc bạch: “Chúng tôi đã lấy giống lúa chất lượng cao Hương Cốm làm dòng bố lai với dòng mẹ để cho ra giống TH 7-2. Qua khảo nghiệm lần này chúng tôi nhận ra giống TH 7-2 vẫn còn nhiều nhược điểm như tỷ lệ hạt mẩy còn thấp, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cải tiến để nâng cao độ mẩy hạt lên thì nó mới có thể cho năng suất cao. Khi hoàn thiện thì giống TH 7-2 là bước tiến mới của chúng tôi, đến lúc ấy chúng tôi sẽ đưa ra SX đại trà”.
Tuy nhiên hầu hết nông dân đã tiếp cận với những giống lúa lai mới của Cty TNHH Cường Tân đều có chung nỗi lo là về giá cả. Lời phát biểu của ông Đoàn Văn Sáu- GĐ Cty TNHH Cường Tân đã trấn an nông dân: “Tôi bảo đảm những giống lúa lai do công ty chúng tôi SX khi đến tay nông dân sẽ có giá thấp hơn nhiều so với những giống lúa lai đang có mặt tại Việt Nam, chất lượng sẽ rất tốt”.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định: “Trong thời gian tới Bình Định vẫn sẽ duy trì chính sách hỗ trợ cho nông dân 25% giá các giống lúa lai để khuyến khích bà con mạnh dạn đưa vào sản xuất”.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
 

Tin khác