Rồng rắn sắn sang Tàu

06/04/2011

Lượng sắn của Việt Nam hiện nay tuồn qua Trung Quốc là bao nhiêu? Có thể cơ quan chức năng sẽ khó có con số chính xác, khi mà hầu hết sắn đều được XK qua đường tiểu ngạch. Mỗi ngày, chỉ riêng một cửa khẩu tiểu ngạch ở Lạng Sơn đã có hàng nghìn tấn sắn khô được xuất qua biên giới.

Trung Quốc, giá lại đang sốt nên thời điểm này, khắp các bến bãi tập kết nông sản quanh TP Lạng Sơn gần như chỉ toàn sắn là sắn. Những chiếc xe tải cỡ lớn 30-35 tấn từ Nghệ An, Thanh Hóa cho tới Hà Nội đều nườm nượp tuồn sắn lên Lạng Sơn. Từ đây, sắn phải dỡ sang những chiếc xe Ben cỡ 3 tấn mới có thể trườn lên biên giới theo đường tiểu ngạch. 
Những chuyến xe tải rồng rắn bốc sắn lên các cửa khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc
 
 Một bà chủ tên Hà quê ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) chuyên gom sắn từ các tỉnh đổ về Lạng Sơn xuất qua Trung Quốc cho hay, đang vụ xuất hàng nên ngày ít cũng xuất sang Trung Quốc cỡ 100 tấn. Về nguồn cung thì chỉ cần alo một cái, là ngay ngày hôm sau hàng từ Nghệ An, Thanh Hóa đã có mặt ở Lạng Sơn. Bà Hà cho biết, vì ít vốn nên nhận hàng chuyến nào là “xuất tươi” qua cửa khẩu trong ngày luôn chuyến đó. Những chủ nậu như bà đếm không kể. Chứ ở Lạng Sơn, có hàng chục ông chủ cỡ bự, mỗi ngày xuất sang Trung Quốc ít cũng một vài trăm tấn, hầu hết đều qua đường tiêu ngạch. 
Bà Hà giải thích: “Sắn xuất sang Trung Quốc không phải thuế má gì cả nên đi cửa khẩu nào cũng được. Nhưng các cửa khẩu lớn như Tân Thanh, Hữu Nghị... hầu như không có sắn xuất sang Trung Quốc. Bởi muốn qua các cửa khẩu này phải làm thủ tục hải quan, kiểm dịch thực vật của Việt Nam rất rườm rà. Đặc biệt là phí kiểm dịch thực vật cửa khẩu của phía Trung Quốc lại rất đắt (khoảng hơn 3.000 tệ/chuyến xe trên 30 tấn) nên các chủ hàng Trung Quốc cũng không muốn NK sắn bằng đường chính ngạch”. Bởi vậy, mặc dù phí vận chuyển bẳng xe Benz cỡ nhỏ lên cửa khẩu tiểu ngạch khá đắt, nhưng thực ra sắn vẫn được vận chuyển qua hàng chục cửa khẩu tiểu ngạch ở Lạng Sơn như Nà Nưa, Bảo Lâm, Ba Sơn, Na Hình...
Đoạn tỉnh lộ 235 từ TP Lạng Sơn đi cửa khẩu Ba Sơn (huyện Cao Lộc) chỉ dài hơn 25km, nhưng dòng xe Benz chở sắn phải rồng rắn bò hết hơn 3 giờ đồng hồ. Tài xế chở sắn thuê tên Nông Văn Lợi (quê Hữu Lũng) nhẩm tính: đường xấu thế nhưng xe Benz trọng tải chỉ có 3 mà mỗi chuyến phải cõng khoảng hơn 9 tấn sắn. Mỗi ngày, riêng cửa khẩu Ba Sơn ít cũng phải có 50-70 chuyến xe xuất sắn qua Trung Quốc. Ngày cao điểm có khi tới 100 chuyến, tương đương khoảng 700-1.000 tấn sắn khô tập kết lên cửa khẩu Ba Sơn.  
Những cửa khẩu đường vận chuyển dễ dàng như Na Hình, Nà Nưa..., tuy mang tiếng là “tiểu ngạch” nhưng xe tải 30-40 tấn vẫn có thể ra vào dễ dàng. Các cửa khẩu này ngày cao điểm xe tải chở sắn ùn tắc hàng km, và phải có 3 – 4.000 tấn sắn chuyển qua Trung Quốc mỗi ngày. Một chủ hàng tên Ngọc ở TP Lạng Sơn chuyên xuất sắn đi Trung Quốc qua các cửa khẩu tiểu ngạch tiết lộ, giá sắn khô, kể cả loại mốc, nát, chất lượng kém thời điểm này mua tại Lạng Sơn đã có giá hơn 6.200đ/kg. Cộng cả phí vận chuyển (khoảng 1,3 triệu đồng/chuyến xe 10 tấn lên tới cửa khẩu), chủ hàng Trung Quốc vẫn chấp nhận “khoắng sạch”. 
Tại khu vực vành đai biên giới thuộc cửa khẩu Ba Sơn, luôn thường trực khoảng vài chục chiếc tải của các ông chủ khắp khu vực Ninh Minh, Bách Sắc... (Sùng Tả, Quảng Tây) đón xe chở sắn từ Lạng Sơn lên. Khi được hỏi về thị trường giá sắn tại Trung Quốc, Mã Tấn (quê Ninh Minh, Sùng Tả, Quảng Tây) – một trùm nhập sắn của tại cửa khẩu Ba Sơn kín đáo không tiết lộ vấn đề về giá cả. Tuy nhiên, Mã nói hiện mỗi ngày nhập ít nhất khoảng 300 tấn sắn tại cửa khẩu Ba Sơn. Sắn được chở về bên kia biên giới, sau đó lại tiếp tục dỡ sang các xe tải lớn hơn hoặc đưa lên tàu hỏa vận chuyển sâu hàng nghìn km tới các NM SX cồn, TĂCN, hoặc loại sắn đẹp thì bán cho các NM SX bánh kẹo thuộc các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông.
- Ở Quảng Đông và Quảng Tây có trồng sắn nhiều không? Tôi hỏi Mã Tấn.
- Không, chỉ toàn mía thôi, ít sắn lắm. Việt Nam có bao nhiêu sắn chúng tôi cũng mua hết! Mã trả lời.
“Từ cuối năm 2010 đến nay, sắn xuất đi Trung Quốc có giá nên cũng ăn to. Nhưng sắp tới cũng không biết thế nào mà lường. Không chỉ sắn mà hàng củ quả gì xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng thế, có khi thị trường XK đang sôi sùng sục, giá ngất ngưởng. Nhưng đùng một cái họ lại tắt ngúm không nhập nữa, các ông chủ bên đó họ có đủ cớ để từ chối nhận hàng, có khi chở hàng lên cửa khẩu rồi phải đổ đi. Bọn tôi cũng chỉ biết lúc giá bên đó cao thì cật lực gom hàng xuất đi kiếm lời, chứ nguyên nhân vì sao họ lại...mua bán tắc bụp như thế thì chịu” – bà chủ gom sắn tên Hà tại TP Lạng Sơn cho biết.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/76359/Default.aspx


Tin khác