Lãi suất vốn vay tăng cao, doanh nghiệp lo lỗ nặng

06/04/2011

Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thì năm 2011 sẽ ưu tiên vốn cho sản xuất và xuất khẩu nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng vẫn phải vay với lãi suất rất cao và khó tiếp cận nguồn vốn.

Lãi suất đè tăng trưởng

Theo báo cáo tại buổi họp giao ban trực tuyến về xuất nhập khẩu, quí I do Bộ Công thương tổ chức sáng nay, 5/4 thì kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm ước đạt 19,25 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2010.


Trong đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực và đặt trọng tâm vào nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,27 tỷ USD trong quí I, tăng 31,4% so với năm 2010 và vươn lên chiếm tỷ trọng cao nhất tới 68% các mặt hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều Hiệp hội ngành hàng, để có thể đạt được mức tăng trưởng trong các quí tiếp theo ngoài các tháo gỡ về thủ tục hành chính, thì ưu đãi về vốn và lãi suất vay là vấn đề đáng lưu tâm.

Theo kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep), ngoài hai khó khăn đặc thù của ngành thủy sản là nguyên liệu và thu nhập của công nhân thì việc tiếp cận vốn vay đang là khó khăn nhất của các doanh nghiệp trong ngành.

Ông Dũng ví von, việc ưu tiên cấp vốn vay của ngân hàng đối với các doanh nghiệp thủy sản chỉ như “công dân hạng bét” và mức lãi suất vay lên đến 21%-22% thì ngành thủy sản sẽ không đủ sức vươn ra xa để cạnh tranh được.

Cùng chung mối lo này, ông Nguyễn Thái Học, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết kế hoạch năm nay xuất khẩu nhân điều là 190 triệu tấn, tương đương 1,5 tỷ USD, nhưng khó khăn trong quý II của các doanh nghiệp xuất khẩu điều là không có đủ vốn để thu mua nguyên liệu về chế biến.

Theo ước tính của ông Học, tổng nhu cầu vốn của ngành điều khoảng 25 ngàn tỷ đồng, trong khi đó các doanh nghiệp chỉ tự cân đối được khoảng 5-6 ngàn tỷ đồng, số còn lại phải vay ngân hàng nhưng mới chỉ đáp ứng được 10-15% vốn so với nhu cầu.

“Nếu không vay thì không có đủ nguyên liệu để sản xuất còn vay thì chắc chắn lỗ và mỗi tấn nhân điều các doanh nghiệp đang chịu lỗ 400 USD," ông Học than.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cũng bày tỏ, hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất trên dưới 20%, thậm chí đến 24%, chưa kể giá điện, xăng dầu tăng cao thì sản phẩm làm ra không thể bù đắp được chi phí.

Theo đề xuất của ông thì nên có một gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để giảm mặt bằng chung xuống từ 10-12% để doanh nghiệp có thể lấy lại những đơn hàng lớn.

Chính sách vẫn trên… “giấy”?

Theo kế hoạch năm 2011, Ngân hàng nhà nước sẽ ưu tiên nguồn vốn cho vay sản xuất kinh doanh, hạn chế cho vay vốn vào những lĩnh vực phi sản xuất như đầu tư bất động sản, chứng khoán...

Ông Trần Phú Minh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VIB) cho biết, năm 2010, ngân hàng này đã cho vay xuất khẩu 20 nghìn tỷ đồng và lên đến 30-35 nghìn tỷ đồng trong năm nay, đảm bảo dư nợ khoảng 18 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, cho vay thủy sản chiếm 20-30%, còn cho vay đối với các mặt hàng chiến lược theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ tăng thêm hạn mức cho các khách hàng mới có kim ngạch xuất khẩu lớn.

Bà Trần Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng nhà nước cũng cho biết, một trong những điều kiện để Ngân hàng cho vay được là đảm bảo khả năng tài chính trả nợ và vốn vay ngân hàng cũng như lãi suất cho vay luôn tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ với khung lãi suất thấp nhất.

“Với những lĩnh vực này thì khống chế lãi suất đầu vào không được vượt quá 14%, với các tổ chức tín dụng không quá 14,5%,” bà Hạnh nói.

Ngoài ra, ngân hàng cũng đảm bảo tiền vay không chỉ bằng vật chất mà có cả cho vay không có bảo đảm, được miễn thuế về giao dịch bảo đảm trên cơ sở có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể...

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Vasep Nguyễn Hữu Dũng thẳng thắn cho rằng, các chính sách đưa ra cần đi vào thực tế và việc tổ chức vốn vay của ngân hàng phải gắn với trách nhiệm thực hiện cụ thể.

“Nếu chính sách chỉ nằm trên giấy chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề. Việc thực hiện các chính sách không đi đến đâu, chỉ đề ra chính sách, đưa ra trên văn bản,” ông Dũng bức xúc nói.

Theo nhận định của Bộ Công thương, do độ trễ của các chính sách thắt chặt tiền tệ nên các khó khăn chưa thể hiện ngay trong quý I, mà sẽ thấy được vào cuối năm hoặc đầu năm tới.

Trong đó giá cao, chi phí đầu vào cao và lãi suất ngân hàng sẽ làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới giảm.

Để tháo gỡ khó khăn, các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào việc cải cách hành chính, giảm thủ tục giấy tờ cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Riêng khó khăn về vốn và tiếp cận vốn vay và lãi suất, thì các Hiệp hội cần phát huy vai trò làm cầu nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng, nhằm bảo đảm quyền lợi của các thành viên trong hiệp hội.

Từ bài học của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, bằng uy tín của mình VFA đã cung cấp danh sách doanh nghiệp có nhu cầu vốn mua tạm trữ cho phía ngân hàng và các ngân hàng cũng yên tâm cho các thành viên hiệp hội được vay nhiều hơn so với các doanh nghiệp ngoài danh sách. 

“Có doanh nghiệp được vay với lãi suất 13,5%, điều đó cho thấy vấn đề nằm ở khả năng phối kết hợp,” Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh./.
AGROINFO – Theo TTXVN

Nguồn:http://www.vietnamplus.vn/Home/Lai-suat-von-vay-tang-cao-doanh-nghiep-lo-lo-nang/20114/84233.vnplus


Tin khác