Bảo hiểm nông nghiệp: Còn thiếu cơ chế hỗ trợ

31/03/2011

"Ngoài tiền hỗ trợ từ Nhà nước, chúng ta phải xây dựng được một cơ chế bảo hiểm cho ngành nông nghiệp một cách phù hợp", chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nói.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Thưa ông, BHNN đã tồn tại từ lâu ở VN, song tại sao đến nay vẫn chưa thể phát triển?
- Điều này cũng dễ hiểu vì ngành nông nghiệp của ta còn đang lạc hậu. Sản xuất nông nghiệp thì quá nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh. Bản thân các DNBH cũng không mặn mà bởi các chính sách về BHNN hiện chưa thực sự khuyến khích và hỗ trợ cho họ.
Các doanh nghiệp BHNN cũng chịu rủi ro không kém gì nông dân. Nguồn thu với BHNN thì lại ít, trong khi chỉ cần mất mùa hay rủi ro nào đó xảy ra thì doanh nghiệp lại phải chi quá nhiều... Tất cả những điều này đã khiến cho BHNN của chúng ta không phát triển lên được.
Ở nhiều nước, BHNN được thực hiện rất thành công. Vậy tại sao chúng ta không thể làm được, thưa ông?
- Các nước như Thái Lan, New Zealand, Mỹ... có nền nông nghiệp hiện đại hơn chúng ta rất nhiều. Trình độ sản xuất của họ cũng bài bản hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp BHNN của họ đều được hỗ trợ, và được hưởng các chính sách ưu tiên ưu đãi ổn định, lâu dài như về thuế, phí... Như Thái Lan, ngân sách nhà nước cũng đã hỗ trợ bảo hiểm cho cây lúa rất lớn, họ luôn giữ được giá lúa gạo có lợi cho nông dân...
Vậy theo ông, liệu có phải chỉ có tiền hỗ trợ từ Nhà nước thì BHNN của ta mới có thể hoạt động tốt và phát triển?
-Tôi nghĩ không hẳn thế. Bởi ngoài tiền hỗ trợ từ Nhà nước, chúng ta phải xây dựng được một cơ chế bảo hiểm cho ngành nông nghiệp một cách phù hợp. Điều này nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của doanh nghiệp và bản thân nông dân khi tham gia bảo hiểm. Cả hai bên phải cùng có lợi và Nhà nước cũng phải có lợi khi hỗ trợ cho dịch vụ bảo hiểm này thì lúc đó mới có thể phát huy hiệu quả.
Theo ông, làm thế nào để người dân lẫn doanh nghiệp đều tích cực tham gia BHNN?
- Việc Chính phủ cho phép thí điểm BHNN là hoàn toàn phù hợp. Chúng ta nên làm thí điểm ở một số ngành nông sản có nguồn thu lớn để rút kinh nghiệm và tìm ra hướng đi thích hợp cho lĩnh vực BHNN tại VN. Vấn đề cốt lõi là chúng ta phải có cơ chế để khuyến khích được mọi người đóng góp cho BHNN: Doanh nghiệp đóng góp, nông dân và thương nhân đóng góp... Có như vậy thì BHNN mới có thể tồn tại vững chắc, còn nếu cứ chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì nó sẽ trở thành một sự bao cấp, ỷ lại, xin-cho và như vậy sẽ khó có thể phát triển.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://www.danviet.vn/37682p1c34/bao-hiem-nong-nghiep-con-thieu-co-che-ho-tro.htm


Tin khác