Dân trồng cà phê ở Đắk Lắk đang gặp khó khăn vì khô hạn kéo dài

08/04/2011

Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk, nắng nóng kéo dài làm cho mực nước hầu hết các sông, suối, hồ, đập trên địa bàn giảm nhanh, nhất là hàng loạt hồ, đập, sông, suối nhỏ đều khô kiệt nước nên diện tích cà phê bị khô hạn ngày một tăng lên. Chỉ riêng tại huyện Krông Búk, một trong những vùng trọng điểm cà phê của tỉnh đến nay đã có khoảng 3.912 ha cà phê thiếu nước tưới trong cả 2 đợt (thiếu nước tưới đợt 1 trên 1.223 ha và đợt 2 gần 3.690 ha). Diện tích cà phê bị khô hạn tập trung đều ở 7 xã: Pơng Đrang, Chư Kpô, Cư Né, Cư Pơng, Ea Sin, Ea Ngai, Tân Lập.

Theo ông Nguyễn Văn Pháp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Krông Búk có 37 công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ chỉ mới đáp ứng nguồn nước tưới cho 30% diện tích cà phê hiện có (tổng diện tích cà phê của huyện là trên 21.156 ha), diện tích cà phê còn lại tưới bằng nguồn nước sông, suối, nước giếng đào, giếng khoan. Thế nhưng, từ giữa tháng 2 đến nay, nắng nóng kéo dài làm cho nhiều ông trình thuỷ lợi khô cạn nước càng làm cho bà con nông dân các dân tộc lao đao lo tìm nguồn nước tưới cầm chừng để cứu sống cho cây cà phê.
 
Theo phản ánh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, các năm trước đến thời điểm này đã tưới nước xong đợt 2 và triển khai tưới nước đợt 3 cho cây cà phê thế nhưng, hiện nay nhiều vùng chỉ mới tưới nước xong đợt một còn đợt hai không còn nước để tưới. Nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua thêm ống nhựa dẫn nước, đào kết hợp với khoan giếng bằng nhiều hình thức như đào giếng sau đó khoan ngang nhiều lỗ khoan hoặc khoan sâu xuống từ 100 m trở lên lấy nước chống hạn cho cây cà phê. Đồng bào còn tận dụng đào, khoan giếng ngay trên các hồ đập, con suối đã cạn khô nước để lấy mạch nước nhĩ, kéo dài thời gian tưới để cứu cho cây cà phê sống qua mùa khô không cần cho cây bung hoa đậu quả cho thu hoạch. Tại xã vùng sâu Cư Pơng có 11 công trình thuỷ lợi, nhưng nay đã có 8 công trình thuỷ lợi khô kiệt nước. Đồng bào các dân tộc đã đầu tư nạo vét, làm mới hàng trăm giếng đào, giếng khoan lấy nước cứu sống 3.699 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch (mới tưới đợt 1 còn đợt 2 do không đủ nước nên chỉ tưới cầm chừng cho cây cà phê đử sức sống qua mùa khô hạn). Ông Lương Văn Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Né cho biết, mùa khô của các năm trước, dọc theo con suối và đập Ea K’Roa không bao giờ cạn nước, nhưng nay đã khô đáy, đồng bào các dân tộc đã đầu tư đào gần 20 giếng đào, giếng khoan ngay trên dòng suối, lòng hồ để lấy nước cứu cho gần 200 ha cà phê của các thôn Đ’Rô 1, 2 và thôn Ea K’Roá (xã Cư Né). Gia đình anh Y Trơn, buôn Ea Tốc (xã Cư Pơng) đã đầu tư gần 30 triệu đồng đào giếng sâu gần 23 m để lấy nước tưới cho 1,2 ha cà phê của gia đình và giúp cho các hộ gia đình có rẫy cà phê liền kề...
 
Huyện Krông Búk đã chỉ đạo các hợp tác xã dùng nước hướng dẫn đồng bào các dân tộc đầu tư nạo vét giếng, hồ đập, khơi thông dòng chảy, điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý, tránh không để xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các vùng, các hộ gia đình có nương rẫy cà phê liền kề. Huyện cũng có kế hoạch trích ngân sách địa phương hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc mua xăng dầu phục vụ chống hạn cho cây cà phê, đồng thời hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc có diện tích cà phê ở những vùng không chủ động được nguồn nước cần sớm chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
 
Được biết, hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có gần 10.000 ha cà phê bị khô hạn làm giảm năng suất hoặc mất trắng trong niên vụ tới, trong đó, tập trung nhiều nhất là huyện vùng trọng điểm cà phê, gồm: huyện Krông Búk, Ea H”Leo, Cư M’Gar, Krông Ana..../.
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=454115


Tin khác