Trên Trang ĐBSCL của Báo Lao Động đã phản ánh về chủ trương nuôi tôm sú trái chiều ở nhiều địa phương, mong được tiếp nhận ý kiến của lãnh đạo địa phương, chuyên gia, thông qua cầu nối truyền thông, góp phần tìm ra những hoạch định khả thi trước loại vật nuôi liên quan đến phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và nâng cao thu nhập của người nông dân...
Đánh bạt tôm sú
Tỉnh Long An có 4 huyện nằm cặp theo 2 con sông Vàm Cỏ và Rạch Cát có diện tích nuôi tôm, đó là Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, với diện tích dao động khoảng 5.000ha. Từ gần 20 năm qua, con tôm sú đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, nhiều người vươn lên khá giả nhờ nghề nuôi tôm sú.
Năm 2009, lần đầu tiên tôm TCT được nuôi thử nghiệm trên các ruộng nuôi tôm ở huyện Cần Đước. Kết quả mang lại rất khả quan. Sang năm 2010, tôm TCT được nuôi nhiều hơn. Chỉ riêng xã Tân Chánh (huyện Cần Đước) đã có gần 200ha nuôi tôm TCT trên tổng số hơn 800ha ruộng nuôi tôm toàn xã. Kết thúc vụ nuôi 2010, các hộ nuôi tôm TCT trúng đậm, vì vừa có năng suất cao vừa bán được giá.
Kết quả vụ nuôi năm 2010 đã làm cho hầu hết các hộ nuôi tôm ở Cần Đước chọn thả con giống tôm TCT cho vụ nuôi năm 2011. Ở xã Tân Chánh đã có khoảng 650ha được thả tôm giống TCT, chiếm hơn 80% diện tích nuôi toàn xã, diện tích nuôi tôm sú chỉ còn chưa tới 20%. Năm 2010, bà con nông dân huyện Châu Thành và Tân Trụ chưa biết tới TCT, sang năm 2011, tại 2 huyện này cũng đã có trên dưới 20% diện tích nuôi tôm TCT. Nếu vụ tôm 2011 kết thúc tốt đẹp đối với các hộ nuôi tôm TCT, chắc chắn sẽ có sự tăng diện tích đột biến dành cho TCT trong những năm kế tiếp.
Vừa thả đã chết
Thế nhưng, bước vào vụ nuôi năm 2011, mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ như vụ tôm TCT năm 2010. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân – cán bộ khuyến ngư thuộc Chi cục Thủy sản Long An – cho biết, đến nay cả 4 huyện có nuôi tôm trong tỉnh đều có diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, chủ yếu ở tôm TCT. Tôm chết do các bệnh đốm trắng, đỏ thân, Taura... Riêng xã Tân Chánh (huyện Cần Đước), đã có hơn 300ha tôm bị dịch bệnh (chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm toàn xã), hầu hết là tôm TCT.
Theo ông Dương Ngọc Hùng – cán bộ khuyến nông xã Tân Chánh, tôm TCT bắt đầu nổi chết chỉ sau trên dưới 20 ngày thả con giống. Về nguyên nhân, ông Hùng nhận định: Do các hộ nuôi chưa tuân thủ đúng mức quy trình kỹ thuật nuôi tôm do ngành nông nghiệp hướng dẫn. Do ham lời, nhiều hộ đã thả nuôi với mật độ rất cao, đến 70 – 80 con/m2, so với mật độ chuẩn cho phép là 40 – 50 con/m2. Để chuẩn bị ao thả nuôi, cần thiết phải phơi đáy ao 2 tuần để làm sạch môi trường trước khi cho nước vào. Thế nhưng, rất nhiều hộ vì gấp gáp chỉ phơi ao vài ba ngày, thậm chí không phơi.
Cũng theo Chi cục Thủy sản Long An, theo đúng quy trình thì phải nuôi tôm TCT trong những ao nuôi bán công nghiệp, có vải bạt lót đáy ao và phủ bờ ao. Hầu hết các ao nuôi tôm TCT ở Cần Đước đều theo dạng quảng canh, bờ đất, đáy ao có nhiều bùn.
Với tình trạng này, nhiều ao bị nước bên ngoài xâm nhập vào hoặc nước trong ao rò rỉ sang các ao lân cận, làm cho dịch bệnh rất dễ phát tán, lây lan trên diện rộng. Hộ ông Trần Văn Sang (ấp Đông Nhì, xã Tân Chánh) vụ tôm này nuôi TCT trên diện tích 6.000m2. Ông thả đợt đầu, chỉ sau 20 ngày tôm nổi chết hết. Không chịu thua, ông xử lý lại đầm nuôi và thả đợt hai. Thế nhưng tôm lại chết sau 3 tuần nuôi. Ông Sang kết thúc sớm vụ tôm với vài chục triệu đồng mất trắng.
Do kỹ thuật hay do môi trường?
Không chỉ những hộ nuôi có ý thức kém dẫn đến dịch bệnh, gây thiệt hại vụ tôm năm nay, mà cả những hộ nuôi tuân thủ đúng mức quy trình kỹ thuật cũng bị thiệt hại tương tự. Bà con nông dân xã Tân Chánh cho rằng, vấn đề không phải ở ao nuôi, kỹ thuật nuôi hay cách thức chăm sóc, mà là ở môi trường nước. Xã Tân Chánh nằm cuối nguồn sông Vàm Cỏ, nhận nước từ đầu nguồn thuộc các huyện Đức Hòa, Bến Lức.
Trong khi đó, sự phát triển công nghiệp “nóng” ở các địa phương này đang làm cho lượng nước thải công nghiệp đổ ra sông Vàm Cỏ ngày càng nhiều, nước sông ngày càng bị ô nhiễm. Vì vậy mà hoạt động nuôi trồng thủy sản ở nơi cuối nguồn luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Không chỉ tôm TCT bị dịch bệnh, mà con tôm sú vốn đã trụ được ở vùng hạ tỉnh Long An nhiều năm qua, nay cũng bị dịch bệnh. Nông dân Châu Văn Phỉnh (ấp Bình Thới, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) đã gắn bó với nghề nuôi tôm sú gần 20 năm qua, từng khấm khá nhờ con tôm sú.
Thế nhưng, mấy mùa tôm vừa qua, anh liên tiếp bị thất bại vì tôm bị bệnh đốm trắng hoặc bị sốc vì môi trường. Anh đã phải bán hơn 1ha ruộng để trả nợ do nuôi tôm và cũng chính thức chia tay với nghề này.
Chuyện nuôi con tôm sú đã qua, nay tới tôm TCT ở các huyện vùng hạ tỉnh Long An còn là câu chuyện dài, nhiều rủi ro, thách thức, khi mà tôm TCT rất nhạy cảm với môi trường, mà nguồn nước sông Vàm Cỏ chưa được quản lý chặt chẽ về ô nhiễm chất thải công nghiệp.
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/4/27772.html