Giá cả thực phẩm: Hơn cả... leo thang

07/04/2011

Giá cả thực phẩm tăng nhanh chóng mặt. Người tiêu dùng bàng hoàng. Thậm chí, giá tăng nhanh đến mức khi trao đổi với NNVN, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết họ cũng bị "choáng" vì không lường được giá cả lại diễn biến mạnh như vậy.

Mỗi ngày một giá

 

Hơn một tuần sau khi giá xăng tăng lên hơn 21 nghìn đồng/lít, giá thực phẩm ở miền Bắc đã tăng chóng mặt. Xách làn đi chợ, bà Chi, một cán bộ nghỉ hưu ở ngõ 351 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (Hà Nội) không khỏi chán nản: " Đi chợ dịp này, cứ mỗi ngày một giá, chẳng biết đằng nào mà lần. Mới cuối tuần trước, bà còn mua thịt bò với giá 120.000 đồng/kg, nay đã lên 180.000 đồng/kg, thịt lợn mông sấn từ 85.000 đồng/kg, lên 110.000/kg. Rau củ quả cũng tăng chóng mặt. Chỉ riêng rau xanh cho mỗi bữa cơm 4 người cũng hết 15.000 đồng".

 

 

 

Bà Chi nguyên là cán bộ ngành xây dựng, lương hưu hàng tháng xấp xỉ 2,5 triệu đồng. Cách đây 2-3 tháng, với số tiền trên, bà có thể trang trải bữa ăn cho gia đình 3 người. Nhưng nay do không thể xoay xở được nên bà đành cam chịu cảnh cứ đến chiều muộn lại xách làn ra chợ để mua thực phẩm “loại 2”.

 

Chị Hiền, chủ quầy thịt ở chợ Mai Động, quận Hoàng Mai cho biết, mấy ngày nay thịt lấy tại lò lên giá rất mạnh, vậy mà nhiều hôm còn không có thịt để mua. Xương cục (loại dùng ninh lấy nước) cũng tăng từ 40.000 lên 50.000 đồng/kg, thịt thăn tăng lên 120.000 – 125.000 đồng/kg... Thịt gà ta mổ sẵn cũng tăng từ 120.000 đồng lên 150.000 đồng/kg.

 

Tìm hiểu của PV, đươc biết, cá trôi loại vừa, mới thời gian ngoài Tết bán 40.000 đồng/kg, nay lên 80.000 đồng/kg; những loại cá to đều trên 100.000đồng/kg... Các loại thủy sản như tôm, cua, cá giá đều cao hơn từ 10-15%. Sau Tết, rau xanh không tăng giá, thậm chí còn giảm thì nay bắt đầu tăng tốc. Chị Thanh, bán hàng rau ở ngõ 351 Lĩnh Nam cho biết: đi lấy hàng mỗi hôm một giá. Người trồng rau nói phân đạm tăng giá nên giá nhiều loại rau cũng phải tăng theo vì chi phí đã lên rồi. Rau mồng tơi 8.000 đồng/mớ; su hào giá 8.000 đồng/củ; cải thảo hiện ở mức 20.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 – 22.000 đồng/kg; cải xoong 9.000 đồng/mớ…

 

Giá thực phẩm tăng, các quán cơm cũng tăng giá theo, một suất cơm văn phòng ăn tạm được cũng phải 35.000 – 40.000 đồng/suất; trứng vịt lộn ra Tết còn bán 5.000 đồng/quả nay tăng lên 6.000 đồng/quả; một bát phở tăng thêm 3.000 – 5.000 đồng/bát.

 

Tại Hải Dương, giá trứng vịt mua buôn ngay tại trại sản xuất đã lên đến 3.700 đồng/quả, trứng gà 3.500 đồng/quả. Không những thế, thịt lợn móc hàm tăng 15 nghìn đồng/kg, lên mức 70 nghìn đồng/kg. Các loại rau xanh, cá và thực phẩm khác cũng tăng ít nhất 30% so với cách đây nửa tháng.

 

Chuyên gia cũng “choáng”

 

Trao đổi với NNVN về diễn biến giá cả thực phẩm, TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu KT-XH Hà Nội lsy giải: Việc tăng giá hàng loạt các mặt hàng thực phẩm tại Hà Nội nói riêng, các tỉnh miền Bắc nói chung chính là hệ luỵ của việc tăng giá điện, giá xăng. Thêm vào đó, cách đây hơn 1 tuần, xăng tăng giá thêm một lần nữa với mức cao (lên thêm 2.000 đồng/lít) đang khiến một làn sóng tăng giá mới bùng phát ở hầu hết các mặt hàng. Và làn sóng đó sẽ ập lên đầu không ai khác chính là người tiêu dùng, đặc biệt là dân nghèo.

 

Ông Phong dự báo, lạm phát trong quý 2 tiếp tục ở mức cao, đời sống người dân sẽ trở nên khó khăn hơn và e rằng an sinh xã hội khó được đảm bảo như kỳ vọng của Chính phủ. “Việc tăng giá hầu hết các mặt hàng sẽ đẩy người tiêu dùng đến đâu? Liệu đồng lương của họ có kham nổi hàng loạt các mặt hàng tăng giá cùng một thời điểm và lại tăng ở mức cao? Chính phủ chỉ đạo phải kiềm chế lạm phát và đưa ra những chính sách an sinh xã hội nhưng cần phải hướng đến những đối tượng cụ thể hơn. Với tình hình giá cả như hiện nay, đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp là khó khăn nhất. Và cuối cùng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay sẽ khó thực hiện”, ông Phong phân tích.

 

Tình trạng “phi mã” của giá cả, đặc biệt là thực phẩm, khiến nhiều chuyên gia kinh tế “choáng”. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, một nguyên nhân nữa được lý giải là do một số tiểu thương lợi dụng tình hình để “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng do tâm lý bất ổn của người tiêu dùng trước thực trạng tăng giá ào ào của các mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu…

 

Trái ngược với diễn biến giá cả thực tế, cách đây không lâu, Bộ Công thương đã có báo cáo, hiện nguồn cung hàng hoá được cung ứng đầy đủ, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy giá nhiều loại hàng hoá bắt đầu có xu hướng tăng (lương thực, đường, thức ăn chăn nuôi, giấy, xi măng tăng nhẹ; sữa, thép, phân bón, xăng dầu tăng mạnh) nhưng không cao (?!).

 

+ Lương tối thiểu tăng lên 830 nghìn/tháng từ 1/5
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Nghị định số 22/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1/5/2011. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 730 nghìn đồng/tháng lên 830 nghìn đồng/tháng. Các đối tượng được áp dụng mức lương trên là cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở cơ quan nhà nước, Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý theo hoạt động của Luật DN.
 
+ Thức ăn chăn nuôi tăng đến 22 lần
 
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi (TACN), từ tháng 9/2009, thời điểm Thủ tướng Chính phủ có quyết định đưa TACN vào danh mục mặt hàng bình ổn giá đến nay, giá mặt hàng này đã tăng tổng cộng 22 lần. Đặc biệt theo thông báo của các DN, đợt tăng giá thứ 23 sẽ diễn ra trong vài ngày tới. Nhiều ý kiến cũng cho rằng giá TACN của Việt Nam liên tục tăng do các DN chỉ chú trọng đến lợi nhuận của mình mà chưa chia sẻ khó khăn cùng người chăn nuôi.

 

AGROINFO - Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/76461/Default.aspx

 

 


Tin khác