Xuất khẩu hoa, chặng đường gian nan

07/04/2011

Trong chiến lược phát triển của ngành Nông nghiệp và PTNT những năm tới, việc mở rộng diện tích trồng hoa và tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ hoa là một trong những mục tiêu được ưu tiên. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Việt Nam được coi là quốc gia có diện tích trồng hoa khá lớn, tương đương với Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ 5 châu Âu về lĩnh vực này. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu thì vẫn còn khiêm tốn.

Lợi nhuận lớn
 
Theo Bộ Công Thương, năm 2010, diện tích hoa tươi của Việt Nam vào khoảng 8.000ha với 4,5 tỷ cành, trong đó xuất khẩu 1 tỷ cành, đạt kim ngạch 60 triệu USD. Hà Nội và các vùng lân cận trồng khoảng 1.000ha hoa, chủ yếu là hồng, cúc, đào, lay ơn và cẩm chướng. Các loài hoa miền nhiệt đới trồng tập trung ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, đây cũng là 2 khu vực sản xuất hoa tương đối lớn ở nước ta.
 
 
 
Riêng tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng hoa lên đến 3.500ha, trong đó xuất khẩu trên 110 triệu cành/năm, phấn đấu đến năm 2015, tăng lên 3.800ha. Đây được coi là trung tâm sản xuất hoa cắt cành lớn nhất cả nước. Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng cho biết, năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hoa trực tiếp của Lâm Đồng đạt 9 triệu USD; năm 2008 là 9,6 triệu USD; năm 2009 lên 13 triệu USD và năm 2010 đạt khoảng 16 triệu USD.
 
Theo giới trồng và kinh doanh hoa thì đây chỉ là con số xuất khẩu trực tiếp từ các doanh nghiệp (DN) của tỉnh, trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu hoa của Lâm Đồng còn cao hơn rất nhiều do có một lượng lớn hoa được xuất khẩu qua các DN ở TP.Hồ Chí Minh. Thị trường xuất khẩu hoa chính của Lâm Đồng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Australia, Philippines, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia, Pháp và Hà Lan.
 
Hiện, các vùng chuyên canh hoa lớn của Lâm Đồng như Đà Lạt, Đức Trọng... đã áp dụng phương pháp sản xuất hoa công nghệ cao, nhiều DN đạt lợi nhuận lên đến 2 tỉ đồng/ha/năm. Đặc biệt, TP. Đà Lạt còn là nơi cung ứng hoa cho thị trường trong nước và xuất khẩu khoảng 10 triệu cây hoa giống/năm.
 
Thị trường mở rộng
 
Hiện, thị trường xuất khẩu hoa tươi chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia và Arabia Saudi. Xuất khẩu sang các thị trường này, chúng ta có thuận lợi về khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển thấp, bảo quản dễ dàng… Đặc biệt, hoa tươi của nước ta đã bắt đầu được nhiều nước Bắc Mỹ như Canada, Hoa Kỳ và các nước Trung âu nhập khẩu.
 
Đáng nói là, trong những năm gần đây, hoa tươi của Việt Nam rất được ưa thích tại thị trường Nhật Bản. Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, nhu cầu hoa tươi của Nhật Bản liên tục tăng đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu hoa vào nước này.
 
Theo Bộ Công Thương, bình quân kim ngạch xuất khẩu hoa tươi của Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 6,2 triệu USD/năm, chiếm 1,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hoa của Nhật. Con số này ngày càng tăng nhưng trên thực tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Điều đó cho thấy, các DN vẫn chưa nỗ lực hết sức trong việc tận dụng triệt để mọi cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hoa sang nước này.
 
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật BảnC, ở Nhật, mặt hàng hoa bao gồm rất nhiều chủng loại như hoa cắt, nụ hoa, lá, cành, cây cỏ, rêu, cây sống, hoa khô dùng làm trang trí và chủ yếu vận chuyển bằng máy bay. DN thường mất khoảng 4 ngày kể từ khi tiến hành xuất khẩu đến khi bày bán tại các cửa hàng bán lẻ ở Nhật Bản. Do đó, các DN nên nắm thông tin này để lựa chọn sản xuất những loại hoa thích hợp, từng bước tạo vị thế cho hoa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, sen là loài hoa người Nhật yêu thích, trong khi đây cũng là loài hoa nước ta có nhiều tiềm năng để phát triển.
 
Theo GS.TS Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quốc tế, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, đồng thời là giáo sư Trường Đại học RMIT, Melbourne Vic 3001 (Australia), các vùng trồng hoa của Việt Nam như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn thỏa mãn yêu cầu xuất khẩu. “Mộc Châu và Lâm Đồng là những “nhà kính” khổng lồ trời cho. Nếu muốn tạo một nhà kính rộng 976.479ha với nhiệt độ quanh năm 20 độ C như ở Lâm Đồng thì ở Australia, người ta phải trả hàng tỷ đô la mà chưa chắc đã xây dựng được. Trong khi ở Lâm Đồng, chúng ta chỉ mới sử dụng 3.500ha cho hoa thôi. Thật là uổng phí!”, ông Vọng nói.
 
Cũng theo ông Vọng, Việt Nam có kinh nghiệm nhiều năm trồng hoa với những kỹ thuật độc đáo, có bộ giống hoa tương đối tốt, đã xây dựng được một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội, Hải Phòng và Lâm Đồng, vấn đề còn lại là phải cải thiện sao cho thích hợp với điều kiện trong nước mà thôi. Đây cũng là lý do khiến nhiều năm qua, ngành xuất khẩu hoa của Việt Nam tăng trưởng chậm.
 
Mô hình xuất khẩu hoa thành công với “3R”
 
Nói đến doanh nghiệp xuất khẩu hoa thành công của Việt Nam không thể không nói tới Dalat Hasfarm (Lâm Đồng). Theo ông Thomas Hooft, Tổng giám đốc Dalat Hasfarm, bí quyết chinh phục thị trường nước ngoài của doanh nghiệp này là “3R” (Right place, Right time and Right product: đúng chỗ, đúng thời điểm và đúng sản phẩm).
 
 
 
Bắt đầu hoạt động từ năm 1994 chỉ với 700.000 USD và chừng 3 – 4ha đất, đến nay diện tích canh tác của công ty này đã lên đến 300ha với 3 trang trại, tổng số công nhân viên 350 người. ông Thomas Hoof cho biết, tất cả hoa do Dalat Hasfarm sản xuất đều được canh tác theo công nghệ tiên tiến nhất được du nhập từ châu âu, hoa gieo trồng trong hệ thống nhà kính hiện đại, các chế độ chăm bón, độ gió, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng đều được lập trình, theo dõi, điều khiển thông qua hệ thống máy tính. Nhà kính có thiết bị làm mát khi thời tiết quá nóng và có hệ thống sưởi ấm cho hoa khi trời giá lạnh để giữ được nhiệt độ trung bình lý tưởng từ 18-22 độ C.
 
“Khi tôi đến Đà Lạt vào năm 1994 và tìm một mảnh đất trồng hoa, lúc đó nơi đây chỉ là vùng hoang vu, người dân chưa có quan niệm về nhà kính để trồng hoa. Công nghệ nhà kính giúp chúng ta kiểm soát được yếu tố thời tiết, nấm bệnh, cho ra sản phẩm hoa chất lượng cao. Điều đáng mừng là sau khi chúng tôi triển khai công nghệ nhà kính thì 3-4 năm sau, người trồng hoa Đà Lạt bắt đầu chú ý đến vấn đề này. Từ 20ha ban đầu, đến nay Đà Lạt đã có khoảng 1.400ha nhà kính và khoảng 6.000-7.000 hộ gia đình trực tiếp sản xuất hoa”, ông Thomas tâm sự.
Nhờ đầu tư công nghệ tiên tiến, trung bình mỗi năm Dalat Hasfarm sản xuất khoảng 30 triệu cành hoa các loại, gồm hồng, cúc đơn, cúc chùm, cẩm chướng, ly ly, đồng tiền, baby, sao tím, salem và các loại lá trang trí… Hầu như năm nào Dalat Hasfarm cũng đưa ra thị trường những giống hoa mới được du nhập từ Hà Lan, Nhật Bản, Australia và xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. ông Thomas cho biết, để đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty đã mở rộng thêm 260ha đất tại Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) và đang phát triển 3 nhóm sản phẩm chính là hoa cắt cành, ngọn giống và lá trang trí. Được biết, trong số 95 triệu hoa cắt cành xuất khẩu, trị giá 12 triệu USD của Đà Lạt thì Hasfarm chiếm đến 98%.
 
Với những nỗ lực đó, Dalat Hasfarm được đánh giá là một trong 5 dự án nước ngoài đầu tư hoạt động hiệu quả nhất trên đất Lâm Đồng và được tạp chí Flowers Tech (Hoa Kỳ) bình chọn là công ty sản xuất hoa đứng đầu Đông Nam Á.
 
 
 
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/4/27761.html


Tin khác