Ở biệt thự, đi ô tô từ kinh tế trang trại

07/04/2011

Nhiều người dân huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) biết đến anh Đặng Xuân Chính, người có nhiều đóng góp cho việc phát triển chăn nuôi lợn ngoại của huyện, người ở biệt thự, đi ô tô đời mới nhờ làm trang trại chăn nuôi.

Rời thị trấn về quê
 
Anh Chính sinh năm 1959 tại thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ. Sau 17 năm trong quân ngũ (1972 – 1989), anh về tiếp tục lái xe cho Phòng Thuỷ lợi của huyện gần 10 năm sau đó nghỉ chế độ. Lúc đó, chị Huê vợ anh làm ở Phòng Giáo dục cũng nghỉ mất sức. Tiện nhà mặt đường, anh chị mở đại lý bán thức ăn gia súc cho hãng CP Thái Lan. Do việc kinh doanh khá tốt, anh được Công ty cho tham quan trang trại chăn nuôi bên Thái Lan, Malaixia, Trung Quốc. Anh đã học tập được cách quản lý, một số tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi và anh suy nghĩ phải chăn nuôi theo mô hình của họ mới có hiệu quả cao.
 
 
Tuy nhiên anh chưa có điều kiện về đất đai, vốn để mở trang trại. Vì thấy chăn nuôi lợn ngoại theo mô hình trang trại có lãi nên anh đã tư vấn, hỗ trợ về giống, thức ăn của Công ty cho nhiều gia đình. Đến nay hơn 80 gia đình trong huyện đã được anh giúp chăn nuôi lợn nái ngoại theo quy mô gia trại, trang trại có hiệu quả như ông Dự, ông Sỹ (xã An Vinh); ông Xuân, ông Bản (Quỳnh Minh); ông Sơn (An Lễ); ông Dừng (Quỳnh Mỹ)…
 
Nhìn vợ chồng anh đi xe hơi, ở biệt thự nhiều người đều thán phục. Anh là tấm gương về ý chí, nghị lực làm giầu cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh học tập.
Bên cạnh cung cấp thức ăn, con giống anh Chính còn ký kết với Công ty XNK Hải Phòng để thu mua lợn thịt của các gia trại, trang trại cung cấp cho Công ty. Thực hiện ý tưởng làm trang trại chăn nuôi anh đã vừa làm vừa đi học thêm lớp Trung cấp chăn nuôi thú y ở Nam Định. Sau một thời gian kinh doanh đã có lưng vốn kha khá và khi đó ở xã Quỳnh Hoa (quê vợ anh) có vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả, anh đã lập dự án trình UBND xã và UBND huyện xin thuê 10.500 m2 với thời gian 49 năm để làm trang trại chăn nuôi.
 
Năm 2005 được UBND huyện phê duyệt dự án anh vay thêm vốn bạn bè và Ngân hàng Đầu tư phát triển trên 2 tỷ đồng xây 1.600 m2 chuồng, đào 3.000 m2 ao, còn lại trồng cây ăn quả, cây cảnh các loại. Anh đầu tư nuôi 120 lợn nái ngoại giống của Thái Lan. Cả gia đình anh đóng cửa nhà ở thị trấn về lăn lưng lao động tại quê, nơi đồng đất chua trũng. Nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của dự án và ái ngại cho anh khi tuổi đã cao mà phải ăn ở, đi lại gặp nhiều khó khăn nơi vùng quê lầy thụt.
 
Từ lợn mà ra
 
Khi đã chủ động về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn thức ăn và thị trường tiêu thụ, việc chăn nuôi theo hướng trang trại của anh khá thuận lợi. Đương nhiên công tác phòng dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường anh rất chú trọng thực hiện các biện pháp phòng chống. Anh thường tuân thủ nghiêm lịch tiêm phòng vacxin, vệ sinh chuồng trại. Để phòng chống ô nhiễm môi trường anh sử dụng chế phẩm sinh học trộn lẫn thức ăn, xây 2 hầm biôga 50m3, đầu tư 270 triệu đồng xây 1 ao lớn thả bèo tây xử lý nước thải.
 
Với kỹ thuật và kinh nghiệm của anh, đàn lợn nái ngoại đẻ rất tốt, đàn lợn nuôi thịt tăng trọng nhanh. Toàn bộ số lợn đẻ ra có lúc anh bán giống, có khi nuôi bán lợn thịt. Từ năm 2005 lại đây, bình quân 1 năm anh xuất 90 – 120 tấn lợn thịt. Tuy năm 2007 và 2010 trang trại của anh cũng bị thiệt hại do dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng nhưng mỗi năm anh vẫn lãi 500 – 600 triệu đồng. Hiện nay đàn lợn nái ngoại của anh vẫn sinh sản tốt. Trang trại của anh thường xuyên đón khách đến tham quan học tập. Anh đã tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương tháng 2,8 – 3,2 triệu đồng, đồng thời còn đào tạo công nhân kỹ thuật cho rất nhiều trang trại trong và ngoài tỉnh.
 
Từ hiệu quả chăn nuôi lợn ngoại theo hướng trang trại, anh đã xây biệt thự 3 tầng ngay cạnh trang trại với tiện nghi hiện đại đắt tiền như tivi màn hình lớn, máy điều hoà, máy mát xa xông hơi (gần 50 triệu đồng), xây khu bể bơi, sân cầu lông để công nhân vui chơi. Anh mua ô tô đời mới để tự lái đi giao dịch. Anh còn hỗ trợ kinh phí cho cô con gái cả đầu tư chăn nuôi trang trại tại xã và nuôi 2 cô con gái học Đại học Ngoại thương.
 
AGROINFO - Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/19/19/76416/Default.aspx


Tin khác