|
Nhiều người dân chưa được tiếp cận hàng bình ổn giá. |
Theo Chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2010, UBND thành phố đã phê duyệt cho 14 doanh nghiệp sản xuất tạm ứng vốn với số tiền 400 tỷ đồng. Các mặt hàng thiết yếu được doanh nghiệp dự trữ gồm: Gạo trắng thường 6.400 tấn, thịt gia súc 1.500 tấn, thịt gia cầm 560 tấn, trứng gia cầm 12 triệu quả, thủy - hải sản 800 tấn, thực phẩm chế biến 1.200 tấn, dầu ăn 240.000 lít, đường RE 240 tấn, rau củ quả 4.000 tấn. Số lượng hàng trên mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, các doanh nghiệp còn phải dùng vốn lưu động của mình chuẩn bị thêm khoảng 5%. Như vậy, với lượng hàng hóa khoảng 15%, các doanh nghiệp đã tích cực quay vòng, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp đã tổ chức thực hiện việc dự trữ hàng hóa tại 397 điểm, trong đó có 52 điểm tại hệ thống siêu thị; 25 cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích; 72 điểm tại các chợ truyền thống; còn lại là hệ thống các cửa hàng, đại lý khác (trong đó có 112 điểm bán hàng lưu động khi thị trường xảy ra biến động).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận, công tác bình ổn giá trong lúc thị trường biến động chưa kịp thời, dẫn đến việc chênh lệch giá khiến tư thương đẩy mạnh thu gom.
Một số doanh nghiệp tự điều chỉnh giá cao hơn giá đăng ký, mặc dù vẫn thấp hơn giá thị trường 10%. Số điểm bán hàng ở các vùng ngoại thành còn hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp tập trung bán ở các điểm sẵn có và ở khu vực nội thành để tranh thủ sức mua. Vị trí kho dự trữ phân tán, nhỏ lẻ, việc dự trữ các mặt hàng tươi sống, vận chuyển hàng hóa vào nội thành gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, do tác động của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và việc tăng giá các mặt hàng điện, xăng làm tăng chí phí sản xuất, lưu thông. Nguồn cung ứng trên địa bàn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, nhất là những mặt hàng có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, để chương trình bình ổn giá có hiệu quả hơn, năm 2011, Sở Tài chính Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là công tác quản lý giá. Ngoài ra, quản lý thị trường phải gắn chặt với chống đầu cơ buôn lậu, tự nâng giá.
Ngoài việc đảm bảo đủ hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu sẽ được phân bố đều, rộng khắp trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, Sở Công Thương sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện và ban quản lý các chợ, ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội để triển khai thêm nhiều điểm bán hàng. Chú trọng việc đưa hàng bình ổn đến tay người nông dân, công nhân và người nghèo ở vùng ngoại thành.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ kịp thời điều chỉnh giá các mặt hàng để đảm bảo cân đối giữa các vùng, miền cho phù hợp. Ví dụ, đối với vùng nông thôn sẽ giảm các mặt hàng rau củ vì mặt hàng này chủ yếu do bà con tự cung tự cấp, tăng các mặt hàng khác mà thị trường nông thôn không đảm bảo được. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp muốn tham gia chương trình nhưng không nhận vốn, UBND TP.Hà Nội cũng rất khuyến khích để mặt hàng bình ổn thêm phong phú. “Xã hội hóa cũng là một cách để thu hút mọi nguồn lực tham gia kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tận dụng được địa điểm để mạng lưới bán hàng bình ổn được phủ sóng rộng rãi đến khắp các vùng trên địa bàn thành phố”, ông Đồng nói.
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế nông thôn