"Cánh đồng mẫu lớn": nhiều nơi muốn nhập cuộc

07/04/2011

Sau bài viết về mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở huyện Châu Thành (An Giang) do Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện thành công (Tuổi Trẻ ngày 4-4), nhiều địa phương, doanh nghiệp cho biết đang nóng lòng nhập cuộc làm nhiều mô hình tương tự.

 
Ông Nguyễn Quốc Truyền (phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An): Sẽ khởi động từ vụ hè thu
 
Tôi nghĩ với cách làm này nông dân trồng lúa mới hi vọng khá giả được. Ngay trong vụ hè thu này, Long An sẽ làm thí điểm 300ha ở xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, sau đó “nở nồi” thành những cánh đồng hàng ngàn hecta. Trước mắt, Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang đã có kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tân Hưng từ tháng 5-2011.
 
Tỉnh Long An đã quy hoạch cánh đồng lúa chất lượng cao 40.000ha ở vùng Đồng Tháp Mười. Trong vài năm nữa Long An sẽ biến toàn bộ 40.000ha này thành 4-5 cánh đồng lớn theo mô hình An Giang. Sở NN&PTNT cũng đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình.
 
Thu hoạch lúa ở “cánh đồng mẫu lớn” huyện Châu Thành (An Giang)
 
 
* Ông Nguyễn Quốc Trực (giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang): Chúng tôi muốn làm ngay
 
Những năm qua Công ty Lương thực Tiền Giang đã ký hợp đồng bao tiêu lúa của nông dân các tỉnh ĐBSCL, nhưng chỉ mới dừng lại ở chuyện tiêu thụ với giá cao hơn thị trường. Một vài nơi chúng tôi cung cấp giống cho nông dân chứ chưa đầu tư trọn gói như Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang.
 
Tuy nhiên việc đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cho nông dân không tính lãi hoàn toàn nằm trong khả năng của công ty. Nếu bây giờ tỉnh Tiền Giang hay tỉnh nào đó có quy hoạch cánh đồng mẫu 1.000ha như ở An Giang mà nông dân đồng tình tham gia thì chúng tôi làm ngay.
 
Khi đó chúng tôi sẽ đầu tư cho cánh đồng này một loại giống xác nhận duy nhất để khi thu hoạch có được sản lượng lớn lúa gạo chất lượng đồng nhất.
 
Ông Nguyễn Ngọc Sơn (phó tổng giám đốc Công ty TNHH ADC): Tính lại việc giao chỉ tiêu xuất khẩu
 
Mấy năm qua Công ty TNHH ADC đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP đầu tiên ở VN là HTX Mỹ Thành, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Hiện nay ngoài việc bao tiêu diện tích lúa Global GAP hơn 100ha, công ty còn bao tiêu 40ha lúa than có hàm lượng dinh dưỡng cao của Cai Lậy.
 
Thời gian đầu vận động nông dân tham gia rất khó khăn, nhưng bây giờ họ đã thấy được hiệu quả rồi nên nếu Nhà nước quy hoạch, kêu gọi họ sẽ hưởng ứng ngay.
 
Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là Hiệp hội Lương thực VN phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp thành viên. Nếu đầu tư nhiều cánh đồng mẫu lớn mà không được giao chỉ tiêu xuất khẩu (hoặc giao ít) thì sẽ khó cho doanh nghiệp.
 
* Ông Phạm Văn Dư (cục phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT): Địa phương phải làm “chủ xị”
 
Chúng ta phải nhanh chóng chuyển sang sản xuất lớn để tiếp tục duy trì vị thế của một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Và không có cách nào khác là nông dân phải liên kết lại, góp đất với những hộ kế bên hình thành cánh đồng lớn hàng ngàn hecta.
Khi đó máy cày, máy gặt đập liên hợp... mới hoạt động hiệu quả.
 
Muốn làm được mô hình này thì các sở NN&PTNT phải làm “chủ xị”, đứng ra quy hoạch, vận động nhân dân và hình thành bộ máy quản lý (hợp tác xã hoặc tổ hợp tác). Thực tế không có doanh nghiệp nào đi ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm của một thửa ruộng 1-2ha cả.
Do đó việc duy trì sản xuất nhỏ là tự làm khó mình. Khi đã có cánh đồng lớn thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư. Tôi còn muốn đến lúc nào đó nông dân sẽ đồng ý bỏ luôn bờ mẫu làm ranh ruộng của mình để thật sự có những cánh đồng bạt ngàn. Khi đó Nhà nước sẽ hỗ trợ họ “giữ đất” bằng thiết bị định vị vệ tinh.
 
 
AGROINFO - Theo Báo Tuổi trẻ
 
 

 


Tin khác