|
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế)
|
Theo ông Phong, thời điểm diễn ra Tháng hành động vì chất lượng VSATTP chính là khi thời tiết chuyển từ xuân sang hè, vi khuẩn gây bệnh sẽ phát triển mạnh và là nguyên nhân khiến số vụ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Vì vậy, Cục đã chỉ đạo các địa phương tăng cường triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè, trong đó tăng cường kiểm tra các cơ sở thức ăn đường phố, cơ sở giết mổ, đặc biệt là tập trung vào vấn đề thức ăn sẵn (ở các bếp ăn tập thể cho công nhân).
Thưa ông, riêng Tháng hành động vì chất lượng VSATTP, cơ quan chức năng sẽ tập trung nhắm tới những “đối tượng” thực phẩm nào?
Trong tháng, sẽ có 8 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh kiểm tra tại 25 tỉnh/thành phố trọng điểm. Ở các địa phương cũng sẽ thành lập các đoàn thanh kiểm tra tại địa phương, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, vùng nuôi, trồng nông sản thực phẩm an toàn, vùng chăn nuôi an toàn… Đoàn sẽ kiểm tra chặt về tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh cơ sở, ghi nhãn, quảng cáo, khám sức khỏe cho người tham gia. Kết hợp với lấy mẫu để đánh giá chất lượng sản phẩm, xử lý vi phạm. Đoàn cũng tập trung vào các bếp ăn tập thể cho công nhân. Kết quả xử lý vi phạm sẽ được công khai theo đúng quy định của pháp luật.
Năm ngoái có 11 đoàn nhưng vẫn chỉ xử phạt khoảng 50% cơ sở có vi phạm. Năm nay đoàn kiểm tra ít hơn liệu có bị “lọt lưới” nhiều cơ sở sai phạm không, thưa ông?
Các bạn nên hiểu rằng, kiểm tra vệ sinh thực phẩm là công việc hàng ngày của địa phương. Còn Tháng hành động là đợt kiểm tra toàn diện với sự góp sức của đoàn kiểm tra Trung ương và địa phương. Đây là chiến dịch cao trào không chỉ của ngành y tế mà có sự vào cuộc tất cả các ngành như nông nghiệp, công thương. Cũng trong tháng hành động này sẽ tập trung vào chiến dịch truyền thông liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương để kêu gọi người dân tham gia vào hoạt động này và đặc biệt, nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của các nhà sản xuất, kinh doanh.
Như ông vừa nói, trong Tháng hành động vai trò của chính quyền các địa phương là lực lượng “chính” trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tất cả Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) các cấp đồng thời là chủ nhiệm, trưởng ban chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm và xác định rõ vai trò của UBND trong việc xử lý, kiểm tra và ứng xử với các vi phạm về an toàn thực phẩm và nhấn mạnh đến việc chấp hành luật pháp về an toàn thực phẩm. Đồng thời nhấn mạnh đến 3 vấn đề là UBND có trách nhiệm kiểm tra giám sát và có kế hoạch giám sát trong cả năm đối với việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc tăng trọng, quy hoạch các vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt an toàn; UBND các cấp có biện pháp kiểm tra cụ thể đối với các nhà hàng, khu công nghiệp, suất ăn công nhân và kiểm soát trên thị trường những hàng kém chất lượng, hàng giả, không đảm bảo an toàn.
Thế nhưng qua thanh tra, kiểm tra cho thấy một số đơn vị, địa phương, công tác đảm bảo ATVSTP vẫn “khoán trắng” cho ngành y tế như vậy là không đúng theo tinh thần của Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ, không đúng với các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Đó là nếu địa phương, đơn vị nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ô nhiễm thực phẩm do vô trách nhiệm, buông lỏng quản lý thì sẽ bị xử lý bằng hình thức cách chức đối với những cán bộ để xảy ra tình trạng đó.
Theo quy định, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP thì người kinh doanh phải bỏ ra khoảng 200 nghìn đồng cho việc đi tập huấn kiến thức, khám sức khỏe, điều đó sẽ gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là những gánh hàng rong, thức ăn đường phố. Đó cũng là bất cập đối với cơ quan chức năng hiện nay?
Năm 2010 thanh tra liên ngành về ATVSTP phát hiện 52.009 cơ sở trên tổng số 210.000 cơ sở kiểm tra không đạt yêu cầu về ATVSTP, chiếm tỷ lệ 24,75%. Các cơ sở sai phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nguy cơ cao như: sữa, bánh kẹo, nước uống đóng chai, nước đá, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố.
|
Tôi cho rằng những bao biện trên là chưa xác đáng bởi vì, kinh doanh thực phẩm là kinh doanh có điều kiện vì thực phẩm là loại hàng hóa đặc biệt, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người sử dụng. Vì vậy, việc tập huấn kiến thức cho người trực tiếp chế biến thực phẩm có kiến thức pháp luật về ATVSTP để thực hiện cho đúng là rất cần thiết. Ngoài ra, khám sức khỏe với 20.000 đồng/người là một chi phí không lớn, kể cả với bà bán rong. Vấn đề là ý thức và thói quen mà thôi. Chưa nói đến giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn là “chìa khóa” mang lại lợi nhuận cho cơ sở, vì họ bán được nhiều hàng hơn do được người tiêu dùng tín nhiệm.
Song điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là số vụ ngộ độc tập thể ngày càng gia tăng và việc xác minh nguyên nhân lại khó khăn hơn bởi phần lớn các địa phương không có phương tiện tốt để lưu mẫu thực phẩm trong khi quy định là lưu ít nhất 24 giờ sau khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Có ý kiến cho rằng, mức phạt quá nhẹ cũng là nguyên nhân khiến cho số vụ ngộ độc thực phẩm không giảm. Ông nói sao?
Ý kiến này hoàn toàn đúng và cũng là vướng mắc của chúng tôi trong rất nhiều năm. Tuy nhiên, tháng 7 tới, chúng tôi sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó đề xuất nâng mức tiền phạt cao nhất lên tới 70 triệu đồng (mức cao nhất theo quy định cũ đang áp dụng hiện nay là 30 triệu đồng). Cũng theo dự thảo, mức phạt tiền cao nhất 70 triệu đồng sẽ được áp dụng với hành vi kinh doanh sản phẩm động vật trên cạn bị mắc bệnh, chết vì bệnh, chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận được phép tiêu thụ khi sản phẩm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Xin cảm ơn ông!