10 TRIỆU ĐỒNG VÀ MỘT GIẤC MƠ
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Ngọc Dung và anh Nguyễn Văn Nhẫn ở ấp 2, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ (Long An) có con là Nguyễn Quốc Đạt, học sinh lớp 8 (Trường cấp 2 Tân Phước Tây). Lúc này chị Dung đang lụi cụi dưới bếp xối nước tắm cho đàn heo giống mập ú trong chuồng, gạt vội những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, chị Dung vui vẻ tâm sự: “Trước kia cả bốn miệng ăn trong gia đình chỉ sống nhờ vào công việc đi mần mướn, bốc vác lúa thuê của ông xã, nhưng nguồn thu cũng không ổn định, phải chạy ăn từng bữa, có lúc tưởng phải ép con nghỉ học. May nhờ nguồn vốn hỗ trợ cho vay đầu tư nuôi heo, có dư tiền đóng học nên các cháu vẫn được cắp sách đến trường đó”.
|
Chị Dung kể, trước kia nguồn sống của cả gia đình chị chỉ trông chờ vào mảnh ruộng chưa đầy một công là của hồi môn do cha mẹ chồng để lại, mỗi vụ chỉ thu được khoảng 9 giạ lúa, chẳng thấm vào đâu. Vợ chồng chị phải gồng mình đi làm thuê vác mướn quanh năm suốt tháng đặng ráng lo được vài bữa ăn tằn tiện qua ngày, còn việc đèn sách của các con anh chị cũng chẳng dám mơ được học nhiều chữ! Cái đói, cái khổ cứ gắn chặt với cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tưởng không thoát ra nổi.
Vậy nhưng, vào một ngày cuối năm ngoái bỗng nghe thông báo gia đình anh chị được lọt vào danh sách hỗ trợ vốn (Chương trình tiếp sức nhà nông cho con em đến trường) do thành tích học giỏi của con. Mừng như bắt được vàng, anh chị dắt díu con lên xã nhận số tiền 10 triệu đồng vốn vay không lãi suất để hướng “nghiệp nuôi” và được phía Cty GreenFeed hỗ trợ thêm nguồn thức ăn chăn nuôi. Từ một con heo nái ban đầu, đến nay anh chị đã có thêm được đàn heo con đang để giống và gầy đàn phát triển kinh tế bằng chính nghề chăn nuôi.
Tương tự, gia đình ông Võ Văn Phúc và bà Nguyễn Thị Phượng, ở cùng ấp 2, cũng được duyệt vay vốn của chương trình đầu tư phát triển nuôi gà ta. Gặp chúng tôi, ông Phúc phấn khởi khoe: “Sau khi được hỗ trợ nguồn vốn vay, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư vào nuôi gà, đến nay gà trong chuồng đang đẻ trứng, còn đàn vịt cũng vừa xuất chuồng lời được gần chục triệu đồng, thiệt mừng quá”. Theo ông Phúc, nhờ tiếp nhận nguồn vốn để đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, gia đình đã tăng đàn lên được 240 con gà ta đồng thời nuôi thêm đàn vịt gần 50 con, thấy rất hiệu quả.
Với đàn gà hàng trăm con trong chuồng lúc này đang ào ào đẻ trứng, giờ chỉ việc ngồi… hứng tiền! Ông Phúc khẳng định, chỉ cần sau hai năm gia đình ông chắc chắn sẽ hoàn vốn cho Chương trình theo đúng cam kết ban đầu.
MỘT CHƯƠNG TRÌNH VÌ CỘNG ĐỒNG
Căn nhà vách lá xiêu vẹo, chênh vênh giữa cánh đồng của gia đình ông Bùi Đức Ti (ấp 1, xã Tân Phước Tây) là một trong những hộ thuộc diện nghèo nhất xã, có 5 người con, cậu út tên Bùi Đức Nhật An, hiện đang theo học Trường Cao đẳng Công nghiệp Long An có thành tích học tốt đã được Chương trình xét hỗ trợ học bổng. Đến thăm gia đình, ông Ti đang mải mê chăm sóc đàn vịt giống và cho cá ăn ngoài ao, còn vợ ông cũng tranh thủ cắt rau muống để kịp chạy chợ.
Vốc nắm mồi quăng xuống ao, đàn cá đông đặc cuộn mình rào rào đớp mồi, phía góc ao bầy vịt hàng trăm con đang xúm xít kêu loạn xạ, ông Ti phấn khởi khoe: “Có được mấy ao cá, đàn vịt và vườn rau này cũng nhờ vào nguồn vốn vay của chương trình cả đấy, chứ cả đời vật vã với ruộng đồng thì chẳng dám mơ có ngày ngóc đầu lên nổi”. Theo ông Ti, sau khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ, ông đã “rinh” thêm được đàn vịt (200 con) về nuôi, kết hợp với thả các loại cá tra, chép, mè, điêu hồng… và đầu tư trồng rau màu theo mô hình VAC hiện đang phát huy hiệu quả, cho thu nhập cao.
+ “60 hộ dân nghèo nhưng chí thú làm ăn, có con em vượt khó học giỏi thuộc hai huyện Châu Thành và Tân Trụ (Long An) vừa được nhận vốn từ Chương trình vay 10 triệu đồng/hộ (không lãi suất) cùng với sản phẩm thức ăn của GreenFeed hỗ trợ thêm. Trong suốt 2 năm nhận vốn, các hộ còn được Công ty tư vấn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, phòng chống dịch bệnh, tư vấn sử dụng thức ăn cho gia súc gia cầm”, ông Trần Văn Đô, Chủ tịch HND huyện Tân Trụ cho biết.
+ ÔNG NGUYỄN VĂN TRUYỀN, GĐ ĐIỀU HÀNH CTY GreenFeed: “Chúng tôi chỉ mong muốn rằng điều quý giá nhất của chương trình sẽ đem lại cho người dân sự tự tin vượt qua khó khăn, thoát nghèo và khát vọng vươn lên làm giàu thành công. Đồng thời chương trình cũng muốn giúp nhà nông có được “cần câu” để tự mình bắt cá hơn là biếu con cá cho các hộ dân… như thế mới đem lại giá trị đích thực và bền vững”.
|
Mới đây, gia đình ông Ti đã bán được bầy vịt trên 100 con với giá 36.000 đ/kg thu lời gần chục triệu đồng chỉ trong vòng 2 tháng. “Gia đình chúng tôi rất biết ơn công ty và chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện cho các hộ có được nguồn sống mới và nay giấc mơ đổi đời của dân nghèo chúng tôi đã thành hiện thực”, ông Ti tâm sự.
Không chỉ được hỗ trợ vốn vay, các hộ dân trong “vùng dự án” còn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bài bản nên họ rất yên tâm. Gia đình ông Phạm Minh Khương (ấp 8, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành) là một trong những gương điển hình nằm trong Chương trình hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín rất hiệu quả. Sau mấy tháng “ôm vốn”, gia đình ông đã sở hữu được đàn bò giống 4 con và đang nhân đàn rất nhanh. Bên cạnh đó, còn kết hợp nuôi hàng trăm con vịt sắp đến ngày xuất chuồng.
Vốn làm nghề nhặt hạt điều thuê, làm cỏ mướn với tiền công rẻ như bèo, vậy mà nay gia đình ông đã trở thành ông chủ của đàn bò, vịt… “Kể từ đây gia đình tui đã đoạn tuyệt với cuộc sống khốn khó, tăm tối để chăm sóc con cái ăn học đến nơi đến chốn. Đủ ăn, đủ mặc, giờ đây cả nhà tui lúc nào cũng vui như Tết!”, ông Khương tự hào khoe.
Về đây, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều gia đình đã “vượt lên chính mình” thoát nghèo bằng chính nguồn vốn vay của Chương trình hỗ trợ này; đồng thời có được nguồn thu nhập ổn định và đang phấn đấu làm giàu bằng nghề chăn nuôi của gia đình mình.
AGROINFO - Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam