Hải Dương sản xuất, chế biến hành hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGAP

08/04/2011

“Nghiên cứu tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hành hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGAP tại Hải Dương” là Đề tài do Viện Cây lương thực & Cây thực phẩm chủ trì, đã bước đầu được triển khai thành công tại tỉnh Hải Dương. Đề tài là cơ sở để đúc rút các bài học kinh nghiệm và đề xuất nhân rộng mô hình cho các vùng trồng hành và sản xuất rau an toàn tập trung trên địa bàn tỉnh này.

Mục tiêu của đề tài là xây dựng các tổ chức nông dân sản xuất hành theo hướng VietGAP, nhằm tăng năng suất và ổn định chất lượng sản phẩm và thu nhập của các hộ tham gia tại các huyện Nam Sách, Kinh Môn. Xây dựng các tổ chức nông dân (tổ hợp tác) sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hành với cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý chất lượng nội bộ phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP; Đăng ký và hoàn thiện chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sơ chế hành an toàn cho các vùng tác động; Xây dựng kênh tiêu thụ an toàn dựa trên mối liên kết chặt chẽ giữa tổ chức nông dân và đối tác tiêu thụ; Hình thành và phát triển thương hiệu hành chất lượng cao gắn với môi trường tác động.
 
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hành trên địa bàn 2 huyện Nam Sách và Kinh Môn. Từ kết quả phân tích đất và nước, sản phẩm hành ở xã Nam Trung (huyện Nam Sách) và Thăng Long (huyện Kinh Môn), cho thấy đây là những vùng đủ điều kiện sản xuất hành sạch. Đề tài đã tiến hành vận động, hỗ trợ thành lập được 2 tổ hợp tác của các hộ trồng hành vào tháng 8/2010 dựa trên Quy chế hoạt động được chứng thực bởi UBND xã Nam Trung và xã Thăng Long. Cơ cấu tổ chức của tổ hợp tác gồm ban lãnh đạo tổ (1 tổ trưởng, 1 tổ phó), 2 giám sát viên và các tổ viên. Đến nay, Đề tài đã xây dựng được hai nhóm tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ hành theo hướng VietGAP tại xã Nam Trung với 54 hộ, diện tích trồng 3,75 ha và xã Thăng Long với 52 hộ, diện tích trồng 4,75 ha.
 

 

Sau khi đã lựa chọn được 2 xã đủ điều kiện sản xuất, sơ chế hành an toàn là Nam Trung và Thăng Long, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương tổ chức tập huấn về VietGAP cho nông dân thực hiện việc đánh giá, lựa chọn vùng sản xuất; quản lý đầu tư; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm. Từ đó, các hộ nông dân đã thấy được tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm với sức khoẻ cộng đồng và môi trường. Sau quá trình học, khi canh tác cây hành vụ đông năm 2010, nông dân 2 xã Nam Trung và Thăng Long đã vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, thu gom tất cả bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật vào nơi quy định; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép. Quá trình trồng, người dân cũng đã hiểu được mối quan hệ giữa cây hành với ngoại cảnh trong hệ sinh thái thống nhất. Hiểu được phương pháp phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách và đúng lúc). Đặc biệt, nông dân đã biết và điều chỉnh mối quan hệ giữa độ ẩm đất (tưới nước) của các thời kỳ sinh trưởng của cây hành như: Giai đoạn từ trồng đến 30 ngày độ ẩm đất khoảng 60% không nên để khô hoặc ẩm quá; giai đoạn từ 30-60 ngày phát triển mạnh thân rễ độ ẩm khoảng 70-80%; giai đoạn xuống củ, từ 60 ngày đến thu hoạch độ ẩm khoảng 60% không được thừa nước. Ngoài ra, bước đầu nông dân đã tạo được thói quen ghi chép, đây cũng là một điều mấu chốt để thực hiện sản xuất theo VietGAP.
 
Để đánh giá chất lượng hành tươi khi được bảo quản và hành sấy, Đề tài đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả phân tích chất lượng vào tháng 9 và 10/2010, cho thấy kết quả hàm lượng Nitorat NO3, các kim loại nặng, vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đều dưới ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn VietGAP được ban hành theo Quyết định 99/2008-QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy đây là những điều kiện thuận lợi ban đầu để đăng ký vùng sản xuất hành an toàn. Về sản lượng hành trồng năm 2010 ở 2 xã Nam Trung và Thăng Long, ước tính năng suất đạt từ 4,5-5 tạ/sào. Tính ra, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg; trừ chi phí 1 sào hành cho lãi khoảng 3 triệu đồng.
 
Kỹ sư Dư Văn Châu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Do sản xuất nông sản nói chung và cây hành nói riêng theo hướng VietGAP là một quá trình đòi hỏi có thời gian và sự quan tâm của các ngành, các cấp. Do vậy, Viện Cây lương thực & Cây thực phẩm đề nghị tỉnh Hải Dương cần có những nghiên cứu sâu hơn về cây hành, giúp nông dân nắm vững được các kiến thức cơ bản để sản xuất tốt hơn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cần chứng nhận cho vùng sản xuất hành an toàn, sạch, về quy trình sản xuất hành.
 
Hải Dương là một trong những tỉnh có diện tích trồng hành lớn của nước ta, với diện tích 7.000 ha. Trong đó, các huyện có diện tích trồng hành lớn là Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành và Thanh Hà và đã có những cánh đồng hành cho thu nhập 100 triệu đồng/ha./.
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
 

Tin khác