Hướng đến một ngành lâm nghiệp phát triển bền vững

13/04/2011

Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, quý I, do thời tiết có nhiều đợt rét đậm, rét hại và khô hạn kéo dài tại các tỉnh miền Bắc đã làm chậm tiến độ trồng rừng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng sản xuất lâm nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm đến nay các địa phương trên cả nước chủ yếu tập trung vào việc chuẩn bị hiện trường trồng rừng, chăm sóc cây giống, chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng, giao khoán quản lý bảo vệ rừng tới các hộ gia đình và thực hiện khai thác gỗ…
 
Tính đến 20/3/2011 trồng rừng mới tập trung đạt 11,8 nghìn ha, trong đó rừng phòng hộ đặc dụng trồng đạt 1,2 nghìn ha, trồng rừng sản xuất đạt 10,5 nghìn ha; Chăm sóc rừng trồng đạt 87,4 nghìn ha, tăng 20,6 % so với cùng kỳ năm trước; Trồng cây phân tán đạt 60,3 triệu cây, tăng 1 % so với cùng kỳ năm trước; Khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng dặm đạt 607 nghìn ha, tăng 0,3 % so với cùng kỳ năm trước; Khoán quản lý bảo vệ rừng đạt 1.755 nghìn ha, tăng 2 % so với cùng kỳ năm trước; Thực hiện khai thác gỗ đạt 956,5 nghìn m3, tăng 25,7 % so với cùng kỳ năm trước. 

Cũng trong quý I/2011, tại các tỉnh miền Bắc, các địa phương tiến hành trồng rừng mới, tuy nhiên do thời tiết không thuận lợi nên kết quả đạt được trong kỳ còn ít. Toàn vùng trồng được 11.789 ha trong đó Bắc Trung Bộ trồng được 6.107 ha, Trung du và miền núi phía Bắc trồng được 4.022 ha và Đồng bằng sông Hồng trồng được 1.660 ha. Một số tỉnh có diện tích trồng khá là: Thừa thiên Huế 4.000 ha, Yên Bái 3.221 ha, Nghệ An 2.107 ha, Quảng Ninh 1660 ha… 

Đối với các tỉnh miền Nam đã tiến hành thực hiện phúc tra, nghiệm thu các công trình lâm sinh, gieo ươm và chăm sóc cây giống để chuẩn cho kế hoạch trồng cây phân tán năm 2011, tiến hành khảo sát, lập hồ sơ thiết kế các công trình lâm sinh, chuẩn bị hiện trường cho kế hoạch trồng rừng năm 2011. 

Về công tác bảo vệ rừng và tuyên truyền phòng chống cháy rừng, phá rừng luôn được các địa phương quan tâm và tổ chức triển khai đến các thôn, bản. Tuy nhiên, do thời tiết đầu năm khô hạn kéo dài nên hiện tượng cháy rừng vẫn xảy ra tại một số địa phương. Cùng với đó, tình hình chặt phá rừng tại các địa phương trong cả nước diễn ra khá nghiêm trọng, mặc dù các địa phương đã triển khai các biện pháp ngăn ngừa kết hợp tuyên truyền đến các xã, thôn bản, tuy nhiên một số nơi vẫn còn để xảy ra chặt phá rừng làm nương, chủ yếu khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Trong kỳ đã xảy ra 111 vụ phá rừng, diện tích bị phá 46,8 ha. 

Về tình hình cháy rừng, theo thông tin cảnh báo từ Cục Kiểm Lâm, tính đến ngày 21/3, 9 tỉnh có các khu vực đang ở cấp V – cấp cực nguy hiểm, nếu cháy rừng xảy ra thì tốc độ lan tràn rất nhanh; trong đó 4 tỉnh Đăk Nông, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh tất cả các khu vực trên địa bàn tỉnh đều ở cấp V. Các địa phương đã tập trung huy động lực lượng tại chỗ của xã, thôn, bản, kết hợp với lực lượng công an, quân đội triển khai các biện pháp phòng chống cháy rừng như: Xây dựng xử lý các bờ lô chống cháy, làm các đường băng cản lửa, triển khai phương án phòng chống cháy rừng, tổ chức diễn tập phòng chống cháy rừng, thực hiện phân công trực 24/24 giờ ở những khu vực trọng điểm, nhằm ngăn chặn và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng nếu xảy ra. Tính đến thời điểm hiện tại đã xảy ra 25 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy 49,9 ha. 

Để phát huy những kết quả đã đạt được và tiếp tục đẩy mạnh ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, trong những tháng còn lại của năm 2011, ngành lâm nghiệp đã đề ra một số giải pháp, trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng cây, đặc biệt là với những cây lâu năm. Đồng thời, phát triển cây công nghiệp, chế biến lâm sản, đẩy mạnh hợp tác quốc tế… hướng tới một ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. 
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
 

Tin khác