Xấp xỉ mức “đỉnh”
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cuối tuần trước, giá lúa thường ở ĐBSCL dao động ở mức 5.825 – 5.900 đ/kg, lúa dài khoảng 5.950 – 6.100 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 7.750 – 7.850 đ/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.650 – 7.750 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 9.200 – 9.300 đ/kg, gạo 15% tấm 8.700 – 8.800 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.450 – 8.550 đ/kg.
Tới ngày 12/4, trao đổi với NNVN, nhiều DN chuyên cung ứng gạo hàng hóa ở ĐBSCL cho biết giá lúa gạo các loại đã tăng thêm rất nhiều so với những mức giá nói trên. Theo ông Trần Bảo Toàn, GĐ DNTN Thanh Lịch, giá lúa hạt dài mua tại ruộng ở một số nơi đã lên tới 6.500 đ/kg, lúa thường (IR 50404) cũng đã có giá khoảng 6.200-6.300 đ/kg.
Còn theo bà Trần Thị Bông, một thương lái lớn ở huyện Thoại Sơn, giá lúa hạt dài mua tại ruộng ở huyện này, tuy cũng đã tăng mạnh trong mấy ngày qua, nhưng mới ở mức 6.300 đ/kg, lúa IR 50404 khoảng 6.100 đ/kg. Ông Phạm Vỹ Bền, GĐ Cty Tháp Sơn (Đồng Tháp), cũng cho biết, giá lúa hạt dài chung ở ĐBSCL hiện là 6.300 đ/kg, và lúa IR 50404 là 6.100 đ/kg.
Như vậy, hiện đang có những thông tin khác nhau về giá lúa ở ĐBSCL. Tuy nhiên, việc giá lúa đang tăng mạnh ở ĐBSCL là có thật, và giá lúa hiện nay đã xấp xỉ với mức giá cao nhất trong lịch sử thương mại lúa ở ĐBSCL. Theo ông Phạm Vỹ Bền, trong thời điểm “sốt gạo” năm 2008, giá lúa có lúc đã lên tới 6.500 đ/kg, nhưng sau đó lại tụt xuống ngay. Tuy không nhớ chính xác thời điểm, nhưng bà Trần Thị Bông cũng cho biết, trong 20 năm làm nghề thu mua lúa, có lúc bà đã mua lúa hạt dài với giá lên tới 6.300-6.400 đ/kg. Nhưng hồi ấy, lúa chỉ lên mức giá đó trong một vài ngày rồi tụt xuống liền.
Trong khi đó, diễn biến giá lúa trong hơn 1 tuần qua cho thấy giá vẫn đang theo xu hướng đi lên. Giá lúa sẽ còn tiếp tục tăng lên cao nữa và hoàn toàn có thể vượt mức đỉnh của năm 2008. Bởi hiện nay, nhu cầu thu mua gạo phục vụ xuất khẩu đang tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, khoảng 300 ngàn tấn gạo từ ĐBSCL đang được đưa ra tiêu thụ ngoài Bắc cũng đã góp phần làm giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL tăng cao. Theo bà Trần Thị Bông, mỗi ngày, bà đang thu mua tới trên 100 tấn lúa, nhưng lượng gạo xay ra luôn được các DN thu mua hết ngay. Ông Phạm Vỹ Bền cũng cho biết tất cả các doanh nghiệp cung ứng gạo hàng hóa ở Đồng Tháp hiện đang trống kho, vì gạo làm ra đến đâu là xuất bán hết ngay tới đó.
Chính vì thế, giá gạo hàng hóa cũng đang tăng lên khá nhanh. Gạo nguyên liệu để làm gạo 5% tấm hiện có giá từ 8.050-8.100 đ/kg, tăng 250-350 đ/kg so với cuối tuần trước. Ngày 12/4, gạo 5% tấm cặp mạn tàu có giá 9.450 đ/kg, gạo 15% tấm là 9.050 đ/kg và gạo 25% tấm là 8.750 đ/kg. Như vậy, giá gạo thành phẩm các loại hiện đã cao hơn cuối tuần trước từ 150-250 đ/kg. Ông Phạm Vỹ Bền cho rằng, giá gạo thành phẩm hiện tại cũng đã xấp xỉ với mức cao nhất trong lịch sử ở thời điểm “sốt gạo” 2008 (9.500 đ/kg).
Nông dân cười, DN mếu
Theo Cục Trồng trọt, tính đến cuối tuần rồi, đã có 1.327.443 ha lúa đông xuân ở ĐBSCL được thu hoạch, tương đương với 85% diện tích xuống giống. Như vậy, vụ đông xuân ở ĐBSCL đang đi vào hồi kết thúc, và có thể nói đây tiếp tục là một vụ được mùa được giá của người làm lúa ĐBSCL. Với năng suất bình quân khoảng 6,6 tấn/ha, sản lượng lúa vụ đông xuân này sẽ vào khoảng trên 10,35 triệu tấn, cao hơn vụ đông xuân trước khoảng hơn 80 ngàn tấn.
|
Theo Cục Trồng trọt, giá thành lúa đông xuân 2010-2011 ở ĐBSCL vào khoảng 3.000-3.200 đ/kg. Như vậy, với mức giá bán tại ruộng hiện nay, nông dân ĐBSCL đang thu lời trên dưới 3.000 đ/kg, tương ứng với mức lợi nhuận khoảng 100%, vượt xa mức tối thiểu 30% mà Chính phủ mong muốn. Theo Cục Trồng trọt, năng suất lúa bình quân ở ĐBSCL trong vụ đông xuân này là 6,6 tấn/ha. Như vậy, doanh thu trên mỗi ha ở thời điểm này là từ hơn 40 đến hơn 41 triệu đồng. Nông dân thu lời xấp xỉ 20 triệu đ/ha. Mức lời cao nhất từ trước tới nay.
Trong khi đó, các DN cung ứng gạo hàng hóa lại đang méo mặt vì thua lỗ. Theo ông Phạm Vỹ Bền, hầu hết các DN cung ứng đều ký hợp đồng cung ứng gạo cho các DN xuất khẩu theo kiểu “đón gió”, ký xong mới tổ chức thu mua lúa gạo. Giá lúa gạo nội địa lại liên tục tăng cao hơn so với giá gạo xuất khẩu, khiến cho các nhà cung ứng càng làm càng lỗ. Đến thời điểm này, có nhiều DN đã lỗ cỡ 5-7 tỷ đồng. Không chỉ lỗ ở những đơn hàng cho các nhà xuất khẩu, các DN cung ứng gạo còn thua lỗ khi bán gạo cho chương trình dự trữ quốc gia.
Ông Trần Bảo Toàn cho biết, đợt đấu thầu 160 ngàn tấn gạo dự trữ quốc gia diễn ra vào ngày 10/3, là thời điểm mà giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL đang giảm. Do đó, giá bỏ thầu của các DN cũng giảm theo. Nào ngờ ngay sau đó, giá lúa gạo lại tăng lên và cứ thế tăng cho tới bây giờ, khiến cho các nhà cung ứng, nhẹ thì lỗ 300 đ/kg, nặng có thể lỗ tới cả ngàn đồng/kg.
AGROINFO - Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam