Nhiều người dân, doanh nghiệp chế biến điều ở tỉnh Bình Phước đang “dở khóc dở mếu” do mất mùa điều. Có không ít hộ dân lâm vào cảnh nợ nần, trong khi nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng.
Về thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập, thủ phủ của cây điều Bình Phước, những ngày này hoạt động thu mua không nhộn nhịp như những năm trước đây và không còn cảnh người dân khắp nơi đổ xô về kiếm việc làm.
Sản lượng giảm
Cầm trên tay chùm hoa điều cháy đen như than, lơ thơ vài trái nhỏ khô quắt, ông Đặng Bảy, một nông dân trồng điều ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, than thở: “Năm nay điều thất mùa nặng quá, tiền bán điều trừ tiền công và phân bón chẳng còn bao nhiêu”. Ông Bảy có 6ha trồng điều, năm ngoái thu hơn 10 tấn hạt, năm nay ước chỉ được khoảng 30% số lượng nói trên bởi điều trên cây đã vãn hết trái. Chỉ sang vườn bên cạnh, ông Bảy cho hay đó là vườn điều của con gái ông và nói: “Nó bỏ vườn không nhặt điều nữa vì từ đầu vụ đến giờ chỉ mới được hơn một bao điều (hơn 50kg). Vườn đó coi như mất trắng rồi”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quản (xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập) cho biết hiện gia đình ông đã vay ngân hàng 20 triệu đồng, đến tháng 6 này là đến hạn trả. Dự tính thu hoạch điều năm nay sẽ xóa được khoản nợ nhưng không ngờ thất thu nên gia đình ông Quản vẫn tiếp tục rơi vào cảnh nợ nần.
Dù là một trong những “chuyên gia” trồng điều thâm canh ở tỉnh Bình Phước với diện tích lên đến 200ha, nhưng ông Võ Hồng Chiến (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập) mấy ngày qua cũng đang đau đầu vì thất mùa điều. Theo ông Chiến, đặc tính của cây điều là ra hoa ba đợt trong một vụ, nếu thuận lợi thì vụ điều thường kết thúc vào đầu tháng 4, nhưng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như năm nay thì có dùng mọi biện pháp kỹ thuật cũng khó lòng cứu vãn. “Dù đã dùng hết cách nhưng sản lượng điều của tôi vụ này cũng chỉ hơn phân nửa so với năm ngoái” - ông Chiến thừa nhận.
Đầu vụ điều năm nay, người dân Bình Phước vui mừng vì giá điều tăng cao, có lúc đạt đỉnh kỷ lục 42.000 đồng/kg. Thêm vào đó, điều ra bông và đậu hạt sai, hứa hẹn một mùa bội thu. Thế nhưng cuối tháng 2, đầu tháng 3 thời tiết thay đổi thất thường, mưa, sương muối, nắng nóng kéo dài đã làm hầu hết diện tích điều đang ở thời kỳ kết trái bị đen bông, thối quả, rụng hạt.
Doanh nghiệp gặp khó
Do thiếu nguyên liệu nên hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến hạt điều phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Nhiều doanh nghiệp đang tính đến phương án nhập điều nguyên liệu từ nước ngoài sớm hơn mọi năm để có nguồn hàng sản xuất. Ông Hoàng Mạnh Bình, giám đốc Công ty TNHH Việt Sơn (thị xã Đồng Xoài), cho hay nhiều công ty chưa mua được điều thô để sản xuất trong năm nay. Riêng Việt Sơn hiện chỉ sản xuất cầm chừng 1-2 tấn điều/ngày thay vì 5-7 tấn như năm ngoái. “Do thiếu nguyên liệu, giá điều thô trong nước ở mức cao so với giá xuất khẩu nên các công ty không có lãi, thậm chí bị lỗ” - ông Bình cho biết.
Ông Lê Minh Châu, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Minh Châu (huyện Bù Gia Mập), cho biết từ đầu vụ đến nay công ty mới chỉ mua được hơn 30 tấn điều thô (so với hơn 100 tấn cùng thời điểm năm ngoái). “Để đảm bảo nguyên liệu sản xuất cho cả năm (250 tấn), chúng tôi sẽ phải nhập hơn 150 tấn” - ông Châu nói. Tương tự, Công ty TNHH Lan Đoàn (thị xã Phước Long) trung bình một năm nhà máy này chế biến khoảng 5.000-6.000 tấn điều thô nhưng đến nay chỉ mới mua được khoảng 2.000 tấn. Tuy nhiên, nhập khẩu cũng không dễ dàng bởi hầu hết doanh nghiệp đều thiếu vốn trong khi lãi suất vay ngân hàng đang cao ngất ngưởng.
Phải nhập 450.000 tấn điều thô
Theo Hiệp hội Điều VN, năm 2011 VN phải nhập khẩu 450.000 tấn điều thô, trong đó 70% từ Tây Phi, 10% từ Đông Phi, 5% từ Indonesia... Dự kiến tổng số vốn ngành điều cần để mua nguyên liệu và đầu tư máy móc lên đến 24.200 tỉ đồng, trong đó vốn cần để nhập khẩu điều là 11.700 tỉ đồng. Theo Bộ Công thương, ba tháng đầu năm 2011, cả nước xuất khẩu được 29.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu 204 triệu USD, giảm 6,5% về lượng nhưng tăng 36,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010.
|
AROINFO - Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/4/27826.html