Cần có biện pháp hỗ trợ ngư dân

13/04/2011

Thời gian gần đây, giá xăng dầu tăng đã kéo theo chi phí đánh bắt thủy sản của ngư dân tăng. Nhiều tàu cá ở Bình Định đã phải treo lưới nằm bờ.

Đối diện với khó khăn
 
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, toàn tỉnh hiện có 8.125 tàu cá các loại, trong đó có 4.955 tàu đánh bắt, khai thác thủy sản tại các ngư trường trong tỉnh, 3.170 tàu cá di chuyển đến các ngư trường trọng điểm như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu, Kiên Giang. Nhưng gần đây, do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu đánh bắt xa bờ phải hạn chế ra khơi.
 
Do xăng dầu tăng giá, nhiều tàu cá ở cảng cá TP. Quy Nhơn phải nằm bờ.
 
Tại cảng cá Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), nơi có đội tàu khai thác cá ngừ đại dương lớn nhất tỉnh, hiện nhiều tàu phải nằm bờ vì hiệu quả đánh bắt thấp. Anh Võ Văn Thành, cán bộ Trạm Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hoài Nhơn cho biết: “Mỗi chuyến đi biển của tàu đánh bắt xa bờ cần đến hơn 1.000 lít dầu. Sau khi giá dầu tăng, phí tổn mỗi chuyến tăng thêm đến hơn 30 triệu đồng. Trong khi đó, giá cá ngừ đại dương từ Tết Nguyên đán tới nay vẫn giữ nguyên khiến nhiều ngư dân ngại ra khơi”.
 
Ông Đào Duy Hội, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) cho biết thêm: “Riêng Tam Quan Bắc hiện có gần 450 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, chủ yếu là cá ngừ đại dương. Trong chuyến ra khơi đầu năm hiện đã có hơn 200 tàu cập bờ. Bán cá xong, chẳng mấy tàu dám ra khơi bởi giá dầu tăng cao quá, chi phí tăng nên lợi nhuận của ngư dân giảm sút đáng kể”.
 
Giá dầu tăng, không chỉ ngư dân đánh bắt xa bờ khó khăn mà cả những người hoạt động gần bờ cũng lao đao. Ông Võ Hoàng Vũ, chủ tàu đánh cá BĐ 10914 TS ở khu Bắc sông Hà Thanh, TP.Quy Nhơn cho biết: “Với giá dầu như hiện nay, mỗi chuyến đi biển khoảng 8-10 ngày chúng tôi phải tốn thêm 10 triệu đồng nhiên liệu. Đó là chưa kể giá đá, lương thực cũng đang rục rịch tăng. Trong khi nguồn lợi thủy sản gần bờ ngày càng cạn kiệt”.
 
Tổ chức lại sản xuất
 
Việc tăng giá xăng dầu đã ảnh hưởng chung đến toàn xã hội, song ngư dân là đối tượng thiệt hại nhiều nhất bởi 80-90% chi phí đi biển phụ thuộc vào nhiên liệu. Trong tình hình khó khăn như hiện nay, ngư dân cần tổ chức lại sản xuất, nhằm tiết kiệm nhiên liệu, tiết giảm chi phí khai thác, tăng năng suất, hiệu quả đánh bắt.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định cho biết: “Chúng tôi đã và đang tiến hành điều tra, nắm bắt những khó khăn để có kế hoạch hỗ trợ ngư dân bám biển. Bước đầu, ngành đã hướng dẫn ngư dân một số hình thức khai thác thủy sản tiết kiệm nhiên liệu; hướng dẫn cách bảo quản sản phẩm sau khi đánh bắt; đàm phán với các công ty chế biến hải sản bao tiêu sản phẩm cho ngư dân. Khuyến cáo ngư dân hạn chế đóng mới các tàu đánh bắt công suất nhỏ, khai thác thủy sản ven bờ vì hiệu quả đem lại không cao và hủy diệt môi trường.
 
Đối với những tàu đánh bắt xa bờ, ngành tập trung vận động ngư dân thành lập các tổ, nhóm cộng đồng khai thác, đánh bắt trên biển. Ngư dân thành lập thành từng nhóm 5-7 tàu cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ thông tin về luồng cá, khi có sản phẩm, một tàu mang cá về, các tàu kia tiếp tục ở lại nhằm giảm bớt chi phí nhiên liệu.
 
Hiện nay, một số tàu cá đánh bắt xa bờ đã thử liên kết, tập trung khai thác, cử một hai phương tiện về trước bán sản phẩm và lấy nhiên liệu, nước đá, thực phẩm. Nhiều ngư dân thay đổi phương pháp đánh bắt, vận hành tàu để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ ngư trường.
 
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế nông thôn

Tin khác