Giá xăng dầu, điện tăng đã khiến nhiều mặt hàng tăng giá, kéo theo đó là sự vất vả, cực nhọc của nông dân. Cũng giống như người dân ở nhiều địa phương khác, nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã tìm cách tự cứu mình...
Đồng loạt tăng giá
Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe nông dân than thở vì giá các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón, thức ăn chăn nuôi... đều phi mã. Ông Nguyễn Hân ở xã Quảng Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) tính toán: “Bình quân 1ha càphê cần tưới 4 đợt/vụ, mỗi đợt hết gần 100 lít dầu diesel. Với giá dầu như hiện nay, chi phí tưới nước trong cả mùa khô tăng thêm hơn 2,5 triệu đồng/ha”. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có khoảng 6.000ha đất trồng càphê, như vậy, với giá xăng dầu hiện nay, chi phí bơm tưới tăng thêm khoảng 16 tỷ đồng/năm. “Đó là chưa kể giá điện, thức ăn chăn nuôi, phân bón, nhân công cũng đang tăng từng ngày, tạo áp lực lớn cho nông dân”, ông Hân nói.
|
Nông dân Bà Rịa -Vũng Tàu áp dụng phương pháp tưới tiết kiện để giảm chi phí.
|
Theo ghi chép của bà Nguyễn Thị Huệ, xã Cù Bị (huyện Châu Đức), trong năm 2010, giá thức ăn chăn nuôi tăng 14 lần, mỗi lần tăng từ 2-5%. Mới 3 tháng đầu năm 2011, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 3 lần. Các đại lý bán thức ăn chăn nuôi trong tỉnh cho biết, hiện giá thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm từ 5.000-20.000 đồng/bao 25kg. Theo tính toán của bà Huệ, với mức tăng này, giá thành sản xuất sẽ tăng lên thêm 2.500 đồng /kg. Vì vậy, người chăn nuôi khó có lời nếu không biết tính toán, chưa kể tới rủi ro khi xảy ra dịch bệnh.
Cùng với xăng dầu, thức ăn chăn nuôi, nhiều loại phân bón cũng tăng 50.000-70.000 đồng/bao 50kg so với thời điểm cuối năm 2010. Cụ thể, phân urê Phú Mỹ và urê Trung Quốc tăng lên 480.000 - 490.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc loại hạt xanh từ 710.000 đồng/bao, tăng lên 760.000 đồng/bao; NPK Đầu Trâu 20-20-15 680.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật 510.000 đồng/bao; lân 150.000-160.000 đồng/bao... Theo tính toán của người trồng càphê, trước đây chi phí phân bón khoảng 20 triệu đồng/ha, nay đã lên tới gần 30 triệu đồng.
Đối với nông dân trồng lúa, họ chưa kịp mừng vì vụ đông xuân trúng mùa, được giá đã phải gánh thêm nỗi lo giá điện, dầu tăng khiến giá thuê máy xới, máy cày, chi phí gặt, gom, tuốt lúa cũng sẽ bị đẩy lên mặt bằng mới.
Tìm cách ứng phó
Trước tình hình trên, bà con nông dân đã cùng nhau tìm nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư mà ít ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.
Ông Nguyễn Hiệp ở xã Quảng Thành cho biết, những hộ trồng càphê đã tìm ra nhiều cách tiết giảm chi phí hiệu quả như: tưới tiết kiệm nước, bón phân hợp lý, trồng xen canh cây ăn quả và rau màu trên cùng một diện tích để tận dụng nguồn phân bón, nước tưới. Theo ông Hiệp, cách làm này cho thêm thu nhập 20 triệu đồng/ha từ tiền bán hoa màu và cây ăn quả mà năng suất và chất lượng càphê vẫn bảo đảm.
Với những hộ chăn nuôi, bà con sẵn sàng bỏ tiền đầu tư xây dựng hầm biogas để tận dụng nguồn chất thải làm chất đốt, chạy máy phát điện. Bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Hòa Long (thị xã Bà Rịa) cho biết, người chăn nuôi bỏ ra từ 6-10 triệu đồng để xây hầm biogas, khoản tiền tuy lớn nhưng bù lại hàng tháng không mất tiền điện, gas, củi để làm chất đốt, bình quân tiết kiệm được khoảng 600.000 - 1 triệu đồng/tháng. Còn ông Nguyễn Văn Dễ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Gò Cát (Xuyên Mộc) lại áp dụng triệt để biện pháp: “3 giảm, 3 tăng” giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu nhưng lại tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Bên cạnh nỗ lực của nông dân, theo ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ngành Nông nghiệp và PTNT cần có giải pháp đồng bộ từ khâu sau thu hoạch, chế biến đến khâu thu mua sản phẩm, đảm bảo ổn định giá cả và thu nhập. Ngoài ra, cần thêm những biện pháp ổn định giá cả đầu vào, thậm chí hỗ trợ giá lúa giống để nông dân đạt lợi nhuận cao.
Ông Hoàng Xuân Vinh ở xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức: Phối trộn thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành
Trang trại của tôi hiện nuôi 350 con heo, trong đó có 50 heo nái. Trước việc giá thức ăn chăn nuôi tăng, thay vì mua cám công nghiệp, tôi tự mua các nguyên liệu như: khoai mỳ, bắp (ngô), cám gạo để phối trộn. Cách làm này đã giảm được gần 2.000 đồng /kg cám. Ngoài giảm chi phí, heo vẫn lớn bình thường, chất lượng thịt ngon hơn, thương lái mua cao hơn 2-3 giá so với thị trường.
|
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế nông thôn