Rầu lòng người trồng mía

13/04/2011

Giá đường mía trong nước đang giảm. Nhưng giảm không lo bằng… ế. Vì giá có giảm hơn trước nhưng tốc độ tiêu thụ lại rất chậm. Nhiều nhà máy đường phải “ôm” lượng đường tồn kho lớn đã kêu trời.

Trong khi đó, kỳ lạ thay, Bộ Công Thương lại cho phép nhập khẩu 250.000 tấn đường với lý do “bảo hộ giá đường trong nước”. Đúng là lâu nay, giá đường luôn là một “canh bạc” mà chắc chắn phía những người trồng mía là nông dân không bao giờ thắng. Khi đường tăng giá nông dân không được hưởng lợi, còn khi đường rớt giá thì thiệt hại cuối cùng lại thuộc về… nông dân.
 
Quảng Ngãi là địa phương sản xuất mía đường truyền thống, nhưng giờ đây nông dân đang phá mía để trồng mì (sắn), trồng dưa hấu, trồng bất cứ thứ gì trừ trồng… mía. Vì nghề trồng mía bao năm nay vẫn thu nhập quá thấp, đã thế lại hàm chứa nhiều rủi ro.
 
Đó là tình trạng rất đáng báo động, không chỉ cho Bộ NNPTNT, mà cho nhiều bộ ngành liên đới. Vì một khi diện tích trồng mía giảm quá mức, dẫn tới sản lượng mía sụt giảm ngoài tầm kiểm soát, thì những bất ổn trong ngành đường mía sẽ xảy ra.
 
Các nhà máy đường đang tồn kho lượng đường lớn (chưa hẳn trong thời gian dài), nhưng mọi sự chưa phải là nguy cơ, nếu Bộ Công Thương dừng ngay việc nhập khẩu đường. Về lâu về dài, chính câu “nói không” với cây mía của nông dân ở những vùng trồng mía mới là điều lo ngại nhất.
 
Theo dõi mức sống của những hộ trồng mía truyền thống ở Quảng Ngãi từ nhiều năm nay, chúng tôi nhận thấy sự “đổi đời” của họ rất chậm, thậm chí là không có mấy thay đổi. Họ vẫn nghèo, trong khi nhà máy đường thì không nghèo, còn lực lượng trung gian buôn bán đường thì giàu rất nhanh. Một khi người sản xuất nguyên liệu không thể khá lên nhờ nguyên liệu mình sản xuất, thì chuyện họ không mặn mà với nó chẳng có gì ngạc nhiên.
 
Trong khi đó, so với giá đường Thái Lan và một số nước khác, thì giá đường bán buôn của Việt Nam vẫn cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg. Chênh lệch như thế là lớn. Chênh lệch ấy nằm ở quy trình sản xuất từ cây mía tới đường thành phẩm ở Việt Nam còn lạc hậu so với nhiều nước khác.
 
Nên nghĩ tới điều ấy, thay vì lúc giá đường tăng, kể cả tăng bất thường thì vui mừng hớn hở, còn khi giá đường hạ, dù là hạ trong thời điểm, thì kêu toáng lên! Với người trồng mía, dù giá đường tăng hay hạ, mà thu nhập của họ “vũ như cẩn” thì họ chả còn biết kêu ai, kêu vào đâu nữa.
 
AGROINFO - Theo Báo Nông thôn ngày nay
 
 

Tin khác