TP Hồ Chí Minh: Bình ổn thị trường - chương trình thiết thực với người tiêu dùng

13/04/2011

Qua 9 năm triển khai, chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh được đánh giá khá hiệu quả và có sức lan tỏa trong phạm vi cả nước. Đây thật sự trở thành công cụ điều tiết giá cả thiết thực, góp phần hạn chế và kiểm soát được hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Công cụ điều tiết giá, tạo niềm tin cho người tiêu dùng
 
Giá những mặt hàng tham gia vào chương trình bình ổn thị trường của Thành phố không những đảm bảo được mức ổn định, thấp hơn giá thị trường mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây cũng là những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân nên ngay từ khi chương trình được triển khai đã được người tiêu dùng ủng hộ, đặt nhiều niềm tin.
 
Từ số lượng 2 doanh nghiệp tham gia chương trình trong những năm đầu tiên Thành phố triển khai, tới nay đã có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình thuộc các thành phần kinh tế khác nhau với trên 2 nghìn điểm bán khắp Thành phố. Qua mỗi năm triển khai, Thành phố lại rút ra những kinh nghiệm và cùng với tình hình thực tế để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho năm mới nên đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời cũng thu hút được doanh nghiệp tham gia tích cực hơn. Doanh số bán hàng bình ổn hàng năm đều tăng với mức tăng bình quân là 25%/năm. Hàng bình ổn không chỉ có mặt trong các siêu thị, các cửa hàng ở trung tâm Thành phố mà còn về tận vùng sâu, vùng xa, ở các khu chế xuất – khu công nghiệp. Hàng năm có nhiều chuyến bán hàng lưu động tới các khu vực này để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con đặc biệt là trong các dịp Tết Nguyên đán. Theo thống kê, số lượng người được phục vụ qua mỗi năm đã tăng từ 10-15%.
 
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua 9 năm triển khai, chương trình bình ổn thị trường đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thiết thực, giúp định hướng, dẫn dắt giá cả các mặt hàng thiết yếu. Với mức giá hợp lý, chất lượng hàng hóa đảm bảo, hiện tượng đầu cơ hay tăng giá đột biến ở một số mặt hàng đã được hạn chế, góp phần bình ổn thị trường, giúp người dân yên tâm mua sắm.
 
Chương trình này cũng đã có những tác động mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố trong thời gian qua. Từ khi thực hiện chương trình bình ổn giá, chỉ số CPI của Thành phố luôn thấp hơn chỉ số CPI bình quân của cả nước. Cụ thể, trong năm 2010, chỉ số CPI của cả nước là 11,75% trong khi TP Hồ Chí Minh chỉ là 9,58%; tính trong tháng 3/2011, chỉ số CPI của cả nước là 6,12% trong khi TP Hồ Chí Minh là 4,89%.
 
Không chỉ có người dân hưởng lợi từ chương trình mà bản thân các doanh nghiệp tham gia cũng được hưởng lợi. Ngoài việc được UBND Thành phố hỗ trợ về lãi suất, việc tham gia chương trình cũng giúp doanh nghiệp mở rộng thêm điểm bán, thêm thị phần, tăng doanh thu và đặc biệt là thương hiệu được nâng lên rõ nét.
 
Có thể khẳng định, chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh (với 100% là hàng sản xuất trong nước) đã góp phần tích cực vào thành công của Cuộc vận động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
 
Thành phố sẽ ngày càng có thêm nhiều điểm bán như thế này đặc biệt là về khu vực ngoại thành, khu chế xuất- khu công nghiệp để người dân dễ dàng tiếp cận với các mặt hàng trong chương trình bình ổn.
Tiếp tục mở rộng chương trình
 
 
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục khẳng định và quyết tâm thực hiện chương trình bình ổn thị trường, ngày càng mở rộng quy mô, mặt hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mục tiêu của Thành phố là đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn Thành phố. Hàng hóa tham gia chương trình này sẽ được đưa vào trong các chợ truyền thống, đưa hàng hóa về các khu dân cư, khu chế xuất- khu công nghiệp nhiều hơn nữa. Theo bà Hồng, những năm qua, kênh phân phối chủ yếu tập trung ở các quận nội thành, riêng huyện ngoại thành, khu chế xuất, công nghiệp còn ít. Đây cũng là hạn chế của chương trình cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Cũng theo bà Hồng, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục khuyến khích nhiều hơn nữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia để đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Trong những năm tới, chương trình sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp theo 3 ngành hàng: lương thực – thực phẩm; thuốc sản xuất chữa bệnh thông thường; dụng cụ giáo dục (phục vụ học sinh).
 
Tính riêng nhóm các mặt hàng lương thực – thực phẩm thiết yếu tham gia bình ổn thị trường, trong năm 2010 có 8 nhóm mặt hàng gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả thì trong năm 2011 đã tăng lên thành 9 nhóm hàng với sự có mặt của các mặt hàng thủy hải sản.
 
Có thể thấy, chương trình cũng đã có sức lan tỏa trong cả nước, tạo hiệu ứng lớn trong xã hội. Nhiều địa phương đã học tập cách làm này của TP Hồ Chí Minh để áp dụng trong địa phương mình. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, chương trình càng trở nên ý nghĩa hơn. Với những bài học kinh nghiệm đã được rút ra trong thời gian qua như việc nhận định thị trường, cập nhật thông tin, dự báo cung - cầu, chủ động trong chuẩn bị nguồn hàng… chương trình ngày càng được hoàn thiện, cập nhật và bổ sung nhiều thông tin mới hi vọng sẽ thiết thực hơn với người tiêu dùng.
 
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=454058


Tin khác