Tiết giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật

13/04/2011

Hiện nay, giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào rất lớn. Để khắc phục khó khăn, tiết giảm chi phí, người dân ở các địa phương đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng Nai: Hơn 4 ngàn hécta cây trồng lắp hệ thống tưới tiết kiệm
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh có hơn 4 ngàn hécta cây trồng được nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2010. Loại cây trồng được nhiều nông dân lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm là tiêu, xoài, sầu riêng. Huyện có nhiều diện tích lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm là Xuân Lộc và Cẩm Mỹ. Thực tế cho thấy, các cây trồng lâu năm được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm giảm được khoảng 50% lượng nước tưới, 80% công tưới và 30 - 40% nhiên liệu. Ngoài ra, cây trồng được lắp đặt hệ thống này năng suất tăng từ 0,5 đến 3 lần so với tưới tràn theo phương pháp truyền thống nên chỉ sau 1 đến 2 vụ, lợi nhuận thu được đủ vốn bỏ ra đầu tư hệ thống. Trung bình một ha cây trồng lắp đặt tưới tiết kiệm đầu tư khoảng 20 đến 30 triệu đồng.
 
Bình phước: Tưới cà phê theo phương pháp mới
 

Hiện rất nhiều hộ trồng cà phê ở Bình Phước áp dụng qui trình kỹ thuật tưới cà phê theo phương pháp mới do các nhà khoa học Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu, xây dựng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một trong những giải pháp tích cực trong kỹ thuật thâm canh cà phê theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Các mô hình tưới nước theo kỹ thuật mới này kết hợp với việc trồng thêm các đai rừng chắn gió, trồng cây che bóng và trồng cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê đã và đang được áp dụng rộng rãi ở một số địa phương trọng điểm trồng cà phê vối của tỉnh Bình Phước… đưa lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê và bà con nông dân các dân tộc.

 
Cây cà phê được trồng theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao ở Bình Phước
 
 
 
Cơ sở khoa học của phương pháp là dựa vào đặc điểm sinh học của cây cà phê: Đó là khối lượng rễ chủ yếu tập trung ở tầng đất mặt (từ 0 đến 30cm), độ bao phủ của hệ rễ biến động từ 0 đến 50cm nên có nhu cầu nước rất cao. Trước đây bà con tưới nước 5 lần/mùa khô cho cà phê theo 2 hình thức: tưới phun mưa và tưới gốc với khối lượng rất cao, vượt từ 300 đến 400 lít nước cho 1 gốc/lần tưới, thậm chí tới 650 lít/lần tưới đối với cà phê kinh doanh so với yêu cầu của cây cà phê nên gây lãng phí rất lớn. Thay vì tưới nước theo phương pháp cũ, kỹ thuật tưới nước theo phương pháp mới cho thấy có thể tưới nước tiết kiệm hơn mà vẫn bảo đảm năng suất, thậm chí còn đạt năng suất cao hơn. Theo qui trình tưới tiết kiệm mới này, các diện tích cà phê mới trồng, với các dòng vô tính chọn lọc, năm đầu bà con chỉ cần tưới với lượng nước 120 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 đến 22 ngày và 2 năm tiếp theo cũng chỉ cần tưới với lượng 240 lít nước/gốc/lần tưới, chu kỳ 20 đến 22 ngày là đủ để cây phát triển bình thường trong mùa khô hạn. Đối với các diện tích cà phê đã bắt đầu cho thu hoạch và cho năng suất ổn định, sau thu hoạch triển khai tưới với lượng nước khoảng 500 lít/gốc/lần tưới, chu kỳ tưới 25 đến 30 ngày vẫn giúp cây cà phê phát triển tốt, đạt năng suất vụ sau từ 3 đến 4 tấn nhân/ha trở lên, mấu chốt quan trọng của kỹ thuật tưới nước hợp lý, tiết kiệm là bà con phải xác định cho đúng thời điểm tưới nước lần đầu của vụ tưới (tưới đầu vụ) để bố trí lịch tưới cho thích hợp. Tưới quá sớm vừa gây lãng phí, vừa làm đảo lộn quá trình sinh trưởng, ra hoa, đậu quả kém. Tưới quá muộn (bắt đầu giới hạn chịu ẩm cho phép 25 đến 26%) làm cho cây cà phê khó phục hồi trạng thái khô héo để phát triển bình thường, thậm chí không hồi phục được.
 
Tây Ninh: Tận thu sản phẩm phụ từ cây sắn, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường
 
Từ nhiều năm nay, cây sắn được coi là loại cây dễ trồng nhất trong tất cả các loại cây nông nghiệp, và thuộc vào hàng cây “thế mạnh” của tỉnh Tây Ninh. Diện tích cây sắn ngày càng tăng, và có phần lấn lướt diện tích của các loại cây trồng khác, nhất là từ năm 2009 đến nay, giá củ sắn tươi luôn tăng cao. Về phía các cơ sở chế biến củ sắn tươi cũng tích cực đầu tư công nghệ xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, giải quyết được nhược điểm lớn nhất của việc chế biến sản phẩm tinh bột khoai mì, tạo được sự đồng thuận của dân cư nói chung. Sản phẩm từ cây sắn không chỉ dừng lại ở việc chế biến tinh bột từ củ, mà tất cả các sản phẩm phụ từ cây đều được “tận thu” tạo ra lợi nhuận cho người trồng sắn, chủ cơ sở chế biến củ sắn và cả người lao động phổ thông cũng được hưởng lợi từ chỗ có việc làm ổn định, có thu nhập. 
 
Ngoài đội ngũ công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại các nhà máy, cơ sở chế biến sắn, còn một đội ngũ người lao động chuyên làm những việc thu lượm, sơ chế những sản phẩm phụ từ cây sắn. Những năm 1990 trở về trước, bã củ sắn sau khi đã lấy hết tinh bột, trở thành phế phẩm, đồ bỏ đi. Có cơ sở chế biến sắn tươi, không còn chỗ chứa bã, gọi người đến cho làm phân bón ruộng rẫy, nhưng không ai lấy. Hiện nay, bã củ sắn lại là một nguồn thu không nhỏ của các cơ sở chế biến củ sắn tươi. Nhiều nơi, bã sắn được đem phơi khô, đóng bao đem bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thuỷ sản. Nhiều người có việc làm ổn định, có thu nhập khá từ “nghề” phơi bã sắn, không ít người trở nên khá giả nhờ vào việc kinh doanh bã sắn. Theo các hộ làm nghề thu gom bã sắn ở Tây Ninh, cứ khoảng 6 tấn bã sắn ướt, một lao động phơi trong 3 ngày thì được 1 tấn bã sắn khô, được chủ thầu trả tiền công 150.000 đồng. Giá bã sắn khô hiện nay được các cơ sở chế biến thức ăn gia súc thu mua từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/tấn. Vỏ củ sắn từ các cơ sở chế biến thủ công, được phơi khô để làm thức ăn cho trâu, bò có giá từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg. Ngay cả lá cây sắn sau thu hoạch, được phơi khô cũng có giá từ 3.000 đến 3.500 đồng/kg. Các cơ sở chế biến sắn tươi có trang bị công nghệ tiên tiến hiện nay hầu hết đã trang bị hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas, công nghệ này không chỉ xử lý chất thải, ít gây ô nhiễm môi trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho chủ cơ sở từ việc khai thác nguồn khí biogas để đốt lò sấy bột, chạy máy phát điện..
 
Trong khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, thiếu năng lượng, nhiên liệu, việc tận thu các sản phẩm phụ từ sản xuất, tạo ra nguồn năng lượng phục vụ tại chỗ rất cần được khuyến khích./…
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
 

 


Tin khác