Đồng Tháp - Vươn lên cùng với vùng ĐBSCL

13/04/2011

Vượt qua 60 tỉnh, thành phố trong cả nước để vươn lên vị trí thứ 3 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010, và tính trong 5 năm qua chỉ số PCI của Đồng Tháp đã tăng 18 bậc, đó là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu chung của toàn tỉnh với sự cộng tác chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, ngày càng có nhiều DN đã tin tưởng chọn Đồng Tháp để đầu tư phát triển kinh doanh.

Hiện Đồng Tháp tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều mục tiêu phát triển mới nhằm đưa điạ phương vươn lên hàng phát triển hạng khá trong vùng ĐBSCL.
 
Năm 2006, khi mà chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Đồng Tháp xếp thứ 21/63 tỉnh, thành của cả nước thì tình hình đầu tư sản xuất công nghiệp vẫn còn hạn chế. Nhưng ngay sau đó các ngành và địa phương đã đẩy mạnh hơn nữa việc cải tiến lề lối làm việc, đổi mới cách tiếp cận DN để thu hút, kêu gọi đầu tư một cách có hiệu quả, tìm các giải pháp để quảng bá hình ảnh địa phương đến DN và nhà đầu tư; rà soát và đánh giá các dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn; thông qua đề án xúc tiến thương mại đầu tư; áp dụng các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư thì hoạt động thu hút đầu tư, tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế ở Đồng Tháp. Nhờ đó, năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đã đạt hơn 10.155 tỷ đồng, và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với gần 27%. Kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 585 triệu USD, nhiều DN trên địa bàn tỉnh gia nhập câu lạc bộ DN đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng và có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 120 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư trên 9.000 tỷ đồng, trong đó có 69 dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động, 19 dự án đang được xây dựng và 32 dự án đang chuẩn bị đầu tư sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực: chế biến thủy sản đông lạnh, chế biến gạo, sản xuất bánh phồng tôm và các sản phẩm nông sản xuất khẩu.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, có được kết quả trên ngoài sự điều hành của chính quyền, sự chung sức chung lòng của người dân địa phương còn có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng các DN khi vừa đóng vai trò là nhà sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, vừa là nhà đầu tư có thể tham gia cùng chính quyền phát triển các ý tưởng quy hoạch thành hiện thực, góp phần làm tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ và các loại hình kinh tế khác. Theo đánh giá của nhiều DN đầu tư tại Đồng Tháp thì việc minh bạch trong thủ tục đầu tư, thân thiện với DN và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác đền bù, giải tỏa ở đây khá nhanh, hiệu quả… là những nhân tố chính đã dẫn đến sự thành công của tỉnh Đồng Tháp trong công tác thu hút đầu tư. Tất cả những điều này đã chứng minh cho thấy cả hệ thống chính trị ở đây đang rất quyết tâm vì sự phát triển kinh tế của địa phương. Đây cũng được xem là nhưng yếu tố thuận lợi để Đồng Tháp triển khai đồng bộ các giải pháp trong mục tiêu định hướng phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2015 để đạt được mục tiêu đưa Đồng Tháp đứng vào hàng khá so với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.
 
Tuy nhiên theo TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Chương trình giảng dạy Kinh tế FullBright thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao không đảm bảo nền kinh tế sôi động và có kết quả tốt mà để nâng cao năng lực cạnh tranh cần đồng thời đạt được sự tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, đột phá vào những mắt xích yếu nhất, đang cản trở năng suất và kìm hãm phát triển... Vì thế Đồng Tháp cần đầu tư mạnh vào hạ tầng nông nghiệp, giao thông, cụm công nghiệp, phát triển đô thị; phát triển giao thông là cực kỳ quan trọng, nhất là đầu tư các tuyến đường rút ngắn khoảng cách TP.HCM - Đồng Tháp, trong tương lai tuyến đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ được đầu tư, nên tỉnh cần có bước chuẩn bị để làm đường kết nối với trục đường này...
 
Bước vào giai đoạn phát triển mới, ngày 30/3/2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13% năm giai đoạn 2011-2015; kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD vào năm 2015 và 1.350 triệu USD vào năm 2020, tăng bình quân 11,7% năm. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân về thương mại và dịch vụ là 15% năm; tiếp tục quy hoạch và xây dựng các trung tâm thương mại cấp tiểu vùng (Sa Đéc, Hồng Ngự, Lấp Vò, Mỹ An, Mỹ Thọ…), các chợ đầu mối lúa gạo, trái cây, hoa cảnh, cá, lợn, bò. Phát triển du lịch của tỉnh theo hướng du lịch sinh thái, du khảo văn hóa, hình thành các cụm du lịch như cửa khẩu biên giới, thành phố Cao Lãnh, thị xã Sa Đéc; các khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, khu du lịch Xẻo Quít, khu di tích Gò Tháp, Vườn quốc gia Tràm Chim. Đồng Tháp phấn đấu kinh tế của tỉnh xếp vào hàng khá trong vùng ĐBSCL và có vị trí tương xứng là cửa ngõ của vùng với GDP bình quân đầu người đạt trên 1.500 USD vào năm 2015 và trên 2.900 USD vào năm 2020.
 
Để thực hiện những mục tiêu đề ra ngoài việc duy trì và tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, Đồng Tháp sẽ tập trung đầu tư, khai thác lợi thế kinh tế nông nghiệp, kết hợp với xây dựng nông thôn mới, để ngày càng nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Các ngành, các địa phương thực hiện việc định hướng, quy hoạch phát triển và tăng cường mối quan hệ với các viện, trường, lực lượng làm khoa học ở các trung tâm lớn để hợp tác trong hoạch định chiến lược phát triển…/.
 
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế Việt Nam
 

Tin khác