Mục tiêu của hội thảo là nhằm đưa ra những góp ý, làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi Luật ATTP.
Theo các ý kiến, dự thảo nghị định còn nhiều hạn chế, chưa tạo sự phù hợp, thống nhất hoàn toàn với các quy phạm pháp luật liên quan hiện có...
Dự thảo nghị định cần nêu rõ tên các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương được giao trực tiếp thực hiện trách nhiệm hướng dẫn các đối tượng thực hiện đúng quy định của luật cũng như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đăng ký bản công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Về thực phẩm biến đổi gen, cần công bố cụ thể danh mục sinh vật biến đổi gen đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thực phẩm. Trên thực tế, những sản phẩm như: dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột, sữa chế biến...có thể chứa nguyên liệu có nguồn gốc từ sản phẩm biến đổi gen (ví dụ sữa đậu nành, sữa bột, tinh bột ngô, tinh bột sắn...). Như vậy, cần thiết phải có quy định rõ ràng về “thực phẩm biến đổi gen” trong phạm vi quản lý của nghị định này.
Các đại biểu cũng khuyến nghị về việc quản lý an toàn thực phẩm tại nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, căng tin… và phải có cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ tạm, chợ địa phương.
Cụ thể trách nhiệm cho từng Bộ
Trong dự thảo nghị định cũng phân công rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý Nhà nước về ATTP.
Theo đó, cả ba Bộ: Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đều có trách nhiệm quản lý ATTP. Cụ thể, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về ATTP; quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên; thực phẩm chức năng...
Bộ NN&PTNT quản lý ATTP đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, muối; thực phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật, thủy sản...
Bộ Công Thương quản lý ATTP đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột...; quản lý điều kiện ATTP đối với các chợ, siêu thị, chợ đầu mối và hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm.
Cũng trong dự thảo này, việc cấp phép cho sản phẩm thực phẩm cũng được chia đều cho 3 bộ quản lý. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cho rằng nên quy định việc tiếp nhận công bố hợp quy, hợp chuẩn sản phẩm về một Bộ.
Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng - nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng cho rằng việc chia nát khâu cấp phép này cũng không phù hợp với quy định của Luật ATTP.
Theo ông, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý 9 ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 7 ngành hàng nhưng chỉ chịu trách nhiệm ở khâu nguyên liệu, sản xuất, chế biến, kinh doanh chứ không chịu trách nhiệm về tiêu dùng. Bộ Y tế phụ trách 5 nhóm mặt hàng nhưng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, cũng nên quy định, Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm đối với thực phẩm ở khâu tiêu dùng. Nghĩa là Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm xác định sản phẩm đó có đủ điều kiện cho 87 triệu người dân đưa vào miệng hay không – ông nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, GS-TS Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam, thẳng thắn: “Phân công trách nhiệm thế nào thì luật đã chỉ rất rõ, DN chỉ đến một cơ quan để tiếp nhận bản hợp quy, hợp chuẩn chứ không thể chạy vòng quanh để lo thủ tục công bố chất lượng sản phẩm”. Đại diện phía DN, ông Nguyễn Hồng Uy, Giám đốc quy chế Abbott, đề nghị chỉ nên có một Bộ phụ trách về vấn đề cấp phép thực phẩm. Nhiều ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo cần cụ thể trách nhiệm cho từng Bộ để khi thực hiện được dễ dàng hơn./.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế Việt Nam