Xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường Hoa Kỳ: Vượt “đòn hiểm”

15/04/2011

Là loại cá nước ngọt giàu dinh dưỡng, thơm ngon, được nuôi và chế biến theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là giá cả phù hợp, cá tra, basa Việt Nam có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường thế giới. Do đó, để bảo vệ lợi ích của mình, người nuôi cá nheo Hoa Kỳ đã tạo ra áp lực, đề nghị cơ quan công quyền xây dựng nhiều rào cản đối với cá tra, basa Việt Nam. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh: “vàng thật không sợ lửa”.

Nhiều doanh nghiệp hưởng thuế suất 0%
Trong Quyết định sơ bộ về việc áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với cá tra Việt Nam được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố tháng 9/2010, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá 130%, với việc lấy Philipines làm quốc gia thay thế để tính biên độ thuế CBPG thay vì trước đây là Bangladesh.
Đây là một điều bất hợp lý, bởi nghề nuôi cá tra ở Philippines chưa phát triển, chỉ sản xuất được 12 tấn cá trên 36 ao và không xuất khẩu, trong khi Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cá tra hàng đầu thế giới với giá trị xuất khẩu mỗi năm gần 1,5 tỷ USD.
Trước những bằng chứng cụ thể, lý lẽ xác đáng và lập luận có cơ sở, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã thuyết phục được DOC lấy Bangladesh (nước khá tương đồng với Việt Nam về điều kiện kinh tế, nghề nuôi cá tra có sản lượng tương đối lớn (hơn 59.000 tấn) và có bán ra nước ngoài) làm quốc gia thay thế, và đã đưa đến quyết định cuối cùng của DOC trong đợt xem xét hành chính lần 6, giai đoạn từ 01/8/2008 đến 31/7/2009, thuế chống bán phá giá cá tra nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này. 

 
Theo đó, các công ty là bị đơn bắt buộc và tự nguyện trong quyết định cuối cùng thuế CBPG lần 6 này đều có mức thuế thấp hơn so với thuế suất trong kết quả sơ bộ công bố hồi tháng 9/2010. Cụ thể, 6 bị đơn bắt buộc được giảm thuế gồm: Công ty Vĩnh Hoàn từ mức thuế sơ bộ 4,22 USD/kg, nay giảm còn 0 USD/kg; Công ty Vinh Quang từ 2,44 USD/kg giảm còn 0 USD/kg, Agifish An Giang từ 4,22 USD/kg còn 0,02 USD/kg, ESS LLC từ 4,22 USD/kg còn 0,02 USD/kg, South Vina từ 4,22 USD/kg còn 0,02 USD/kg và CL-Fish thuế 0 USD/kg. Đây là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã theo đuổi vụ kiện CBPG (nằm trong danh sách bị đơn bắt buộc và tự nguyện) cung cấp đầy đủ hồ sơ để chứng minh việc không bán phá giá.
Định nghĩa “catfish”
Dưới áp lực của các nông dân nuôi cá da trơn Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đang trong quá trình triển khai Dự luật Farm Bill 2008, trong đó có điều khoản quy định phải định nghĩa cá da trơn (catfish), và cá tra, basa Việt Nam có thể được đưa vào nhóm cá da trơn mới để chuyển loài cá này từ đối tượng kiểm soát định kỳ của FDA (Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) sang chế độ kiểm tra liên tục của USDA.
Tuy nhiên, hành động này của USDA đã mắc phải những phản ứng gay gắt ngay từ các chính khách, cơ quan chức năng Hoa Kỳ.
Cụ thể, trong tháng 3 vừa qua, Thượng nghị sỹ John McCain cùng 5 thượng nghị sỹ khác đã viết thư vận động các thượng nghị sỹ Hoa Kỳ hủy bỏ điều khoản trong Dự luật Farm Bill 2008 nhằm hạn chế việc Hoa Kỳ nhập khẩu cá tra của Việt Nam, bởi không có lý do nào liên quan tới sự an toàn thực phẩm để ngăn cản việc nhập khẩu cá của Việt Nam.
FDA cũng cho biết là không thấy một mức đào thải đáng kể nào trong các lô cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, do đó việc ban hành quy chế kiểm soát catfish chỉ gây tốn kém vô ích và là thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh chứ không giúp cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Và mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết, cần phải có thêm 6 tháng nữa để có thời gian xem xét cẩn thận hơn, trong khi theo nguyên tắc là đến cuối tháng 2/2011 USDA phải ra quyết định về chương trình kiểm tra phẩm chất loại cá da trơn nội địa và nhập khẩu tại Hoa Kỳ, mà cụ thể là loại cá “nằm trong định nghĩa catfish”.
 
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/4/27882.html


Tin khác