Dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại

15/04/2011

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Ðảng đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...; Xây dựng cơ cấu kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%, đào tạo nghề chiếm 55% tổng lao động xã hội; Ðẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm; Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hóa... Ðây là định hướng rất cơ bản nhưng cũng là thách thức rất lớn, vì hiện nay nguồn lao động nước ta dồi dào, nhưng chất lượng thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong 12 nước ở châu Á được tham gia xếp hạng. Việt Nam còn thiếu nhiều chuyên gia trình độ cao, thiếu công nhân lành nghề; chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của nước ta còn thấp (đạt 3,02 điểm, xếp thứ 102/133 quốc gia được phân loại)(1); lao động nông thôn chủ yếu chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp. Ðiều này đã làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và nền kinh tế (năm 2009 chỉ số năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,39 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giảm năm bậc, xếp thứ 75/133 nước xếp hạng)(2). Vì vậy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng là yêu cầu cấp bách của nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, công tác dạy nghề nước ta đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ðến nay, đã hình thành hệ thống dạy nghề chính quy với ba cấp trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề) và dạy nghề thường xuyên (không chính quy), thay thế dạy nghề ngắn hạn và dài hạn; chuyển dần sang dạy nghề theo định hướng cầu của thị trường lao động và việc làm của người lao động. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được phát triển nhanh, rộng khắp trên toàn quốc, tính đến cuối năm 2010 cả nước có 123 trường cao đẳng nghề, 303 trường trung cấp nghề (tăng gấp 3,29 lần so với năm 1998); số trung tâm dạy nghề là 810 (tăng 5,18 lần) và hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề, trong đó có gần 200 cơ sở dạy nghề thuộc doanh nghiệp(3). Quy mô dạy nghề tăng nhanh(4); trong đó, dạy nghề trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề (dạy nghề dài hạn) tăng 4,77 lần (từ 75,6 nghìn lên 360 nghìn); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2010 là 30% . Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã mở thêm nhiều nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu và các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động. Ðào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, đặt hàng đào tạo nghề với các trường để cung cấp lao động qua đào tạo nghề theo vị trí làm việc để đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty được thí điểm thực hiện; đồng thời thí điểm dạy nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh cây công nghiệp; tổ chức dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, người nghèo, người khuyết tật, lao động nông thôn..., góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống cho người lao động.
Cuối năm 2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 'Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' (gọi tắt là Ðề án 1956). Hiện nay các cấp, các ngành, các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện Ðề án, nhằm đạt mục tiêu bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho một triệu lao động nông thôn (LÐNT), góp phần thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 chỉ còn 30% số lao động làm việc trong nông nghiệp trong tổng lực lượng lao động (hiện tại còn khoảng 49%). Dạy nghề cho LÐNT theo Ðề án 1956 dựa trên nhu cầu thực tiễn của người dân, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
 
Ðể đáp ứng yêu cầu này, trong năm 2010, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai các hoạt động điều tra, khảo sát nhu cầu. Ðến nay, tất cả các tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác điều tra, trong đó 35 tỉnh đã tổng hợp nhu cầu học nghề, danh mục nghề đào tạo. Qua số liệu tổng hợp của 35 tỉnh đã xác định hơn 600 nghề có nhu cầu đào tạo; tỷ lệ lao động có nhu cầu học nghề chiếm từ 10 đến 12% tổng số LÐNT, trong đó nhu cầu về các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 48,7%; công nghiệp và xây dựng chiếm 18,1%; tiểu thủ công nghiệp chiếm 17,8% và dịch vụ chiếm 15,4%.
Cũng trong năm 2010 đã triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề cho LÐNT như mô hình dạy nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh, chuyên con, nhằm đào tạo đội ngũ LÐNT đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; Mô hình dạy nghề cho lao động trong các làng nghề truyền thống, nhằm đào tạo đội ngũ thợ trẻ để phục hồi, duy trì và phát triển nghề truyền thống, trong đó có cả việc 'cấy nghề' để phát triển làng nghề mới; Ðặt hàng dạy nghề, nhằm dạy nghề cho LÐNT thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, LÐNT bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế và bố trí việc làm tại doanh nghiệp sau đào tạo... Hơn 21 nghìn LÐNT đã được đào tạo nghề theo các mô hình thí điểm này. Trong quá trình đào tạo, người học ngoài việc được dạy kỹ năng nghề, còn được cung cấp các kiến thức về bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường, các quy định quốc tế về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (GAP - Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt). Qua thí điểm các mô hình trên cho thấy kết quả thực hiện khá tốt. Người lao động sau khi học nghề năng suất lao động và hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt (từ 1,25 đến 2 lần đối với các nghề chuyên canh) hoặc đáp ứng được nhu cầu sử dụng của một số doanh nghiệp (Tập đoàn Dệt May, Ðiện lực, Tổng công ty Lắp máy, Tổng công ty Thép...), được các doanh nghiệp này tiếp nhận lao động sau khi đào tạo vào làm việc.
Mặc dù là năm đầu triển khai, nhưng với sự quan tâm của Ðảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đôn đốc, hướng dẫn của các bộ, cơ quan T.Ư, sự quyết tâm triển khai của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể và cơ sở dạy nghề... cho nên các chính sách, giải pháp và hoạt động của Ðề án đã từng bước được triển khai đồng bộ, đúng hướng hơn và đạt được những kết quả bước đầu. Ðặc biệt, đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho LÐNT đối với phát triển nguồn nhân lực nông thôn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Theo dự báo, đến năm 2020 dân số Việt Nam khoảng 96 triệu người(5), bình quân mỗi năm có khoảng 1,4 triệu người bước vào tuổi lao động. Ðến năm 2020 lực lượng lao động trong độ tuổi là 54,4 triệu người, trong đó số lao động đang làm việc là 52,8 triệu người; cơ cấu lao động nông, lâm, ngư nghiệp là 29%; công nghiệp, xây dựng: 32,4% và dịch vụ: 38,6%(6); Hằng năm, khoảng một triệu lao động trong khu vực nông nghiệp chuyển dịch sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Ðể đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2020 sẽ có khoảng 55% số lao động trong độ tuổi qua đào tạo nghề.
Trong thời gian tới, định hướng phát triển dạy nghề dựa trên những quan điểm sau:
- Dạy nghề có tầm quan trọng đặc biệt vừa có tính nhân văn vừa có tính xã hội rất cao, có vai trò quan trọng đối với phát triển vốn con người, nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Dạy nghề là một trong những giải pháp đột phá của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nhanh đội ngũ lao động kỹ thuật trực tiếp, phục vụ CNH, HÐH; góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển dạy nghề được coi là quốc sách hàng đầu.
 - Dạy nghề phải xuất phát từ yêu cầu của thị trường lao động và người lao động, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế đang chuyển dịch theo hướng trở thành nước công nghiệp hiện đại. Dạy nghề phải đáp ứng đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và phù hợp với cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Mặt khác, cần phát triển dạy nghề theo hướng bền vững, chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa; phát triển cả ở nông thôn, thành thị; cả ở vùng thuận lợi cũng như vùng khó khăn; đáp ứng nhu cầu học suốt đời, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập cho mọi người; chú trọng nhóm đối tượng đặc thù, các đối tượng yếu thế trong xã hội.
- Phát triển dạy nghề là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị, của người sử dụng lao động và toàn xã hội; Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển dạy nghề, đồng thời huy động mọi nguồn lực xã hội, sự tham gia của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cho phát triển dạy nghề.
Trong giai đoạn 2011 - 2020 dạy nghề cần thực hiện được hai nhiệm vụ chiến lược. Ðào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh có trình độ cao, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cấp trình độ và có chất lượng cho các ngành, vùng kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, phục vụ có hiệu quả cho công nghiệp hóa đất nước và hội nhập. Mở rộng quy mô dạy nghề cho người lao động ở nông thôn (theo Ðề án 1956), đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại ; góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo vững chắc, bảo đảm an sinh xã hội; gắn dạy nghề với Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Ðối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người lao động về vai trò của dạy nghề với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn trong sản xuất nông nghiệp hiện đại; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển dạy nghề cho LÐNT với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương. Tiếp tục đầu tư tăng cường năng lực đào tạo cho các cơ sở dạy nghề (cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và người dạy nghề); tổ chức đào tạo nghề linh hoạt theo hướng cầu của thị trường lao động, nhằm tạo việc làm bền vững. Triển khai mở rộng các mô hình thí điểm đã thực hiện trong năm 2010 (ưu tiên dạy nghề ở các xã xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/CP của Chính phủ, vào các huyện nghèo). Gắn dạy nghề với phổ biến kiến thức về khởi sự doanh nghiệp và các kiến thức về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (theo tiêu chuẩn GAP). Cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp đến người dân. Huy động các nguồn lực trong xã hội (bao gồm tài chính và nhân lực) cho phát triển đào tạo nghề cho LÐNT. Thu hút các nguồn lực quốc tế trong đào tạo nghề cho LÐNT, thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế phát triển dạy nghề; đồng thời huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, người học để phát triển dạy nghề. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động dạy nghề cho LÐNT.
Nguyễn Thị Kim Ngân  - Bí thư T.Ư Ðảng, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội

 

 

AGROINFO – Theo Báo Nhân dân

 


Tin khác