Xuất khẩu hoa: Vì sao vẫn dậm chân tại chỗ?

15/04/2011

Dù đạt được một số thành tựu trong xuất khẩu hoa nhưng nhiều năm qua, rất ít doanh nghiệp kinh doanh hoa của Việt Nam thành công trong việc vươn ra thị trường thế giới. Tại sao vậy, do năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu hay vì ngành trồng hoa chưa được đặt đúng vị trí?

Thiếu và yếu
Có thể thấy, diện tích và sản lượng hoa hàng năm của Việt Nam ngày càng tăng nhưng sản lượng hoa xuất khẩu vẫn dậm chân tại chỗ.
Tại sao vậy? Theo các chuyên gia, ngành trồng hoa muốn vươn ra biển lớn phải đặt chất lượng lên hàng đầu mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Để làm được điều này, bắt buộc nhà vườn, các doanh nghiệp phải chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao. Bài toán nâng cao chất lượng bằng ứng dụng công nghệ hiện đại đã được TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) giải đúng ngay từ khi nghề trồng hoa mới hình thành ở đây. Với nhiều loại hoa có diện tích, sản lượng lớn như: địa lan, phong lan, cúc, hồng, ly, đồng tiền, lay-ơn, cẩm chướng, hồng môn, salem, kiết tường..., ước tính mỗi năm ngành hoa Đà Lạt cung ứng cho thị trường gần 1 tỷ cành hoa các loại.
Thu hoạch hoa ở Yên Thường (Gia Lâm - Hà Nội)
 
Những năm qua, nhiều thành tựu khoa học công nghệ đã được ứng dụng trong quá trình sản xuất. Đặc biệt là công nghệ sinh học, góp phần tạo ra nhiều giống hoa mới có năng suất, chất lượng cao, tạo điều kiện để hoa Đà Lạt không chỉ chiếm thế thượng phong ở thị trường trong nước mà còn thâm nhập vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu âu, Singapore, Australia... Theo thạc sĩ Võ Khiếm, Giám đốc Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, tuy có những bước tiến đáng kể nhưng trong xu thế hội nhập quốc tế và cạnh tranh với những nước có nền công nghiệp sản xuất hoa tiên tiến, ngành sản xuất hoa Đà Lạt còn nhiều hạn chế. Đó là chủng loại giống hoa truyền thống bị thoái hóa, sản lượng thấp, chất lượng và màu sắc kém; công tác chọn giống, nhân giống phát triển tự phát theo nhu cầu của nông dân. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý bảo quản và đóng gói hoa cắt cành sau thu hoạch gần như chưa được cơ sở sản xuất nào quan tâm; thương hiệu hoa Đà Lạt chưa được quảng bá đúng mức.
TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương triển khai nền nông nghiệp đô thị khá hiệu quả. Những năm gần đây, diện tích trồng hoa của thành phố tăng đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng các loại hoa của TP. Hồ Chí Minh vẫn thấp, chưa đồng đều. Đa số nông dân trồng hoa, cây cảnh ở quy mô hộ gia đình. Nguồn giống phân tán, nhập từ nhiều nơi dẫn đến chất lượng hoa không đồng đều, số lượng giống hoa không đủ cung cấp cho thị trường. Nông dân vẫn thiếu những kiến thức căn bản về thổ nhưỡng, cây trồng, sâu bệnh, thiếu thông tin về thị trường, kỹ thuật, giống hoa mới... Phần lớn việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là do bà con tự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Thạc sĩ Nguyễn Mai Oanh, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) nhận định: Hiện, ngành trồng hoa Việt Nam vẫn ở quy mô nông hộ, thiếu hợp tác và không được quan tâm đúng mức từ chính quyền dẫn đến bế tắc ở cả ba khâu: vốn đầu tư, công nghệ mới và thị trường tiêu thụ. Mặt khác, đầu ra cho hoa đến nay vẫn chưa được tạo lập, phương thức mua bán vẫn theo truyền thống từ mấy chục năm trước.
Có một câu hỏi được đặt ra: Tại sao ngành trồng hoa Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đều thành công, còn nông dân trồng hoa trong nước thì mãi không khá lên được? Theo bà Oanh, ở Nhật Bản, Hà Lan, từ hàng chục năm trước, người ta đã bán hoa theo hình thức đấu giá qua sàn; gần đây Trung Quốc cũng đã áp dụng cách làm này. Nông dân trồng hoa, thu hoạch rồi mang đến “sàn”, ai trả giá cao hơn thì họ bán. ở Việt Nam, chưa bao giờ nghe đến một “sàn” như thế, mà nguyên nhân sâu xa là do nghề trồng hoa chưa được đặt đúng vị trí của nó. Ngay ở “vương quốc” hoa Đà Lạt, hiện nông dân vẫn tự lần mò kỹ thuật, bươn chải tìm kiếm giống và cả đầu ra cho sản phẩm của mình.
Tư duy lỗi thời
Một trong những lý do khiến xuất khẩu hoa của nước ta vẫn dậm chân tại chỗ, theo nhiều chuyên gia, đó là do các nhà vườn vẫn chưa loại bỏ được tư duy lỗi thời, cứ trồng, nếu đạt thì xuất khẩu, còn nếu không thì tiêu thụ nội địa. Anh Lê Văn Vy, chủ vườn lan Sa Pa (Lào Cai) cho rằng: “Để xuất khẩu được thì trước tiên người trồng hoa phải đặt cho mình mục tiêu rõ ràng. Từ đó, họ mới có nhu cầu nắm bắt thông tin thị trường, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng, giá cả, sức cạnh tranh của đối thủ rồi mới xây dựng giá xuất khẩu. Việc thiếu thông tin về thị trường là điểm yếu của các doanh nghiệp, nhà vườn trồng hoa hiện nay. Trong khi đó, chỉ cần có mục đích xuất khẩu, họ sẽ thấy rằng, các thông tin này thường được cung cấp qua các trung tâm xúc tiến thương mại, qua các hội chợ, lễ hội, festival hoa... Hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ cần nắm rõ những thủ tục, luật pháp, tiêu chuẩn xuất khẩu, thông tin đối tác để tránh được rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Song đáng tiếc, ở Việt Nam hiện nay, hiếm có chủ vườn hoa cũng như doanh nghiệp nào lao tâm khổ tứ vì điều đó, họ chỉ chú trọng đến thị trường nội địa”.
Một khía cạnh khác được anh Vy đề cập đến là vốn. Theo anh, ai cũng biết Hà Nội có nhiều vùng trồng hoa lâu đời như Tây Tựu, Mê Linh,...; Đồng Tháp có Sa Đéc, Lào Cai có Sa Pa... Tiềm năng rất lớn nhưng việc triển khai các mô hình trồng hoa công nghệ cao rất ít, quy mô nhỏ. Nguyên nhân là vì, để đầu tư cho mô hình này tốn rất nhiều chi phí, khoảng 1,8 triệu đồng/m2 nhà lưới. Tính trung bình, mỗi hécta nhà kính của Công ty Dalat Hasfarm tiêu tốn khoảng 7 tỷ đồng, Công ty Aporo đầu tư khoảng 3 triệu USD. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân vay vốn để trồng hoa còn hạn chế, đa phần các ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội so sánh: Người trồng hoa ở nhiều nước được Nhà nước đầu tư hạ tầng gồm nhà kính, hệ thống tưới tiêu... Nông dân đến thuê cơ sở hạ tầng trồng hoa được cấp giấy chứng nhận và có thể cầm giấy chứng nhận đó ra ngân hàng vay vốn phục vụ sản xuất. Những nông dân muốn đầu tư công nghệ mới được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi đến 10 năm. Trong khi đó, nông dân Việt Nam thật sự chưa biết học nghề trồng hoa ở đâu để có thể “tai nghe, mắt thấy, tay sờ”. Chỉ khi nào có một trung tâm đấu giá hoa như các nước phát triển thì nông dân mới hết bị thương lái ép giá và ngành trồng hoa mới thực sự phát triển. Việc này nếu Nhà nước không cầm trịch thì chẳng ai có thể làm được. Còn một vấn đề lớn nữa là Việt Nam vẫn chưa có ngân hàng lưu trữ giống hoa. Ngoài ra, đối với các vùng trồng hoa, do chưa có quy hoạch tổng thể nên để có một hệ thống hạ tầng tốt, đường bộ, kho bãi từ nơi trồng đến bến cảng, sân bay nhằm đảm bảo chất lượng hoa khi vận chuyển vẫn còn là bài toán khó đối với các địa phương hiện nay.
Bài học từ sự thất bại của các doanh nghiệp
Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt thành công trong lĩnh vực xuất khẩu hoa vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt ông Trần Huy Đường cho biết, chủ lực xuất khẩu hoa vẫn là Dalat Hasfarm, Công ty Boniefarm, những công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp Việt có Việt Nam Thành Công, Hoa lan Lâm Thăng, Hiền Hòa, Sakimco xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Hà Lan, Australia, Philippines, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Campuchia,... Nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu 2 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, lượng hoa xuất khẩu cũng còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Còn lại, sự thất bại của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hoa như Đại Việt, Thái Sơn, Langbiangfarm, Ngọc Mai Trang,... được lý giải là do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tự phát và manh mún, không có quy hoạch cũng như định hướng phát triển vùng nguyên liệu, do vậy, chất lượng hoa không được cải thiện. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng lớn từ phía đối tác đã không chủ động được nguồn hoa, không kiểm soát được chất lượng, giá cả vì bản thân chỉ cung cấp được khoảng 50 - 60%.
Thị trường thế giới còn đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng hoa, đặc biệt là độ sạch bệnh. Trong khi đó, chỉ cần người trồng hoa không tuân thủ một trong những quy định kỹ thuật trong tất cả các khâu: giống, chăm bón, vận chuyển, bao bì, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch thì coi như xôi hỏng bỏng không.
Về những rủi ro trong quá trình xuất khẩu, chị Hường Bích, Giám đốc Công ty TNHH Flora nhận xét, những tiêu chuẩn ấy cần được thực hiện nghiêm túc, bởi lẽ, khi xuất khẩu, có thể đối tác buộc chúng ta ký quỹ xuất khẩu để đảm bảo chất lượng hoa và thời gian giao hàng, nếu không đáp ứng được thì coi như mất tiền đặt cọc. Khi xuất khẩu thông qua trung tâm đấu giá, chúng ta không đảm bảo chất lượng thì không những hoa sẽ bị tiêu hủy mà còn phải chịu mọi chi phí. Rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta đã thất bại khi vấp phải vấn đề này.
 
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/4/27854.html


Tin khác