Lợn thịt hiếm như đặc sản
Thời điểm này mọi năm, các trang trại chăn nuôi lớn tại Văn Giang, Khoái Châu... (Hưng Yên) luôn chật ních lợn vì các lứa lợn thịt vào giống đầu năm thời điểm này bắt đầu đến kỳ xuất chuồng. Tuy nhiên năm nay, rảo quanh các trang trại lớn tại Văn Giang, lợn thịt hiếm như đặc sản. Nhiều trang trại hầu như đã xuất hết lợn thịt, chuồng trống hoác nhưng vẫn chưa có ý định vào lứa giống mới.
Anh Trương Mạnh Quân (xã Phụng Công, huyện Văn Giang) – chủ trại lớn cỡ nhất nhì tỉnh Hưng Yên với quy mô chuồng nuôi thường xuyên duy trì trên 3.000 đầu lợn thịt cho biết: Vụ vào giống đầu năm 2011 này, do giá lợn giống quá cao, cộng với giá TĂCN từ đầu năm 2011 tăng mạnh nên anh chỉ duy trì cầm chừng ở mức dưới 2.000 đầu lợn. Một lí do nữa khiến nhiều trang trại từ đầu năm 2011 đến nay không nuôi mới, như anh Quân lo ngại thì tại khu vực Hưng Yên, mặc dù dịch tai xanh không ai công bố, nhưng thực tế vẫn âm ỉ suốt từ năm 2010 đến nay và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
“Giá lợn thịt siêu nạc xuất tại chuồng hiện lên tới 55-60 nghìn/kg – tăng hơn 10 giá so với cuối năm 2010 nên trại nào còn lợn xuất chuồng thì lãi to, ít cũng 1 – 1,5 triệu đồng/đầu lợn. Thời điểm này các năm, trại tôi mỗi ngày xuất chuồng ít cũng 500-700 con. Tuy nhiên do không vào giống mới nên số lợn thịt còn lại để xuất chuồng chỉ nhúc nhắc khoảng 100 đầu lợn thịt/ngày. Đấy là tôi bán dè, chứ xuất ào một cái là chủ lò mổ hốt hết ngay. Với tình hình này, ít nhất trong vài tháng tới thịt lợn vẫn rất khan hiếm. Nhưng tình hình dịch treo lơ lửng thế này, tôi vẫn chưa dám nuôi” – anh Quân khẳng định.
Không chỉ nguồn lợn thịt tại các trang trại lớn cạn kiệt, mà nguồn lợn thịt ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện cũng hết sức khan hiếm. Quẳng con lợn còi chừng 70 kg vừa đi mua dạo về, anh Thông (xã Nhân Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên) - một chủ lò mổ chuyên “săn” lợn bột của các hộ chăn nuôi nhỏ tại khu vực Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang... cung cấp thịt tại chợ Gia Lâm (Hà Nội) lắc đầu ngao ngán: “Giá lợn bột, bụng vừa to lại nhiều mỡ nhưng cũng lên tới 54 – 55 nghìn/kg mà tìm đỏ mắt cả ngày cũng không có. Dân nuôi lợn nhỏ lẻ tầm 10 – 20 con bây giờ chỉ còn 10% là cùng, nhưng từ cuối năm 2010 đến nay họ cũng gần như bỏ chuồng. Lượng lợn thịt trong dân ước phải giảm 40-50% so với năm ngoái. Cứ tình hình này, rồi sẽ không tìm đâu ra lợn mà thịt nữa”.
|
Thời điểm này, những ông chủ trang trại có lợn xuất chuồng vui bao nhiêu thì dân lò mổ lại buồn như có đám. Bởi oái oăm là thịt lợn khan hiếm, nhưng không vì thế mà thịt đem ra chợ đắt hàng. Ngược lại, người dân, đặc biệt là dân quê thì gần như không còn dám tơ tưởng gì chuyện được ăn thịt lợn, vì thịt quá đắt.
Anh Nguyễn Văn Quảng, một chủ lò chuyên mổ lợn siêu nạc ở làng mổ lợn xãNhân Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, thời gian này dân lò mổ chỉ ngồi chơi xơi nước, vì thịt lợn khó bán bởi giá quá cao. Riêng lò mổ anh Quảng hiện nay cung cấp thịt cho 5-6 khu chợ lớn tại khu vực huyện Mỹ Hào như chợ Thứa, chợ Bần, chợ Bao Bì... Bình thường, mỗi ngày lò của anh mổ không dưới 15 con lợn siêu nạc, tương đương hơn 1,5 tấn thịt rải khắp các hàng thịt trong huyện chỉ trong 1 ngày là hết veo. Thế nhưng gần đây, lượng thịt tiêu thụ tại các chợ chỉ vẻn vẹn 6-7 tạ/ngày là cùng – giảm từ 50 đến 60% so với trước.
Cá biệt nhiều phiên chợ thời gian qua mỗi phiên anh chỉ có 2 con lợn mà vẫn bán không hết. Anh Quảng thú thật, trước mỗi con lợn siêu nạc nếu khéo mổ thì cũng kiếm được 100 nghìn đồng. Mỗi ngày mổ chục con lợn cũng lãi hơn triệu bạc. Còn bây giờ thì chỉ đủ tiền tiêu hàng ngày là cùng.
Gặp vợ anh Quảng vừa bán thịt ở chợ Bao Bì về, chị này thở dài: “Thịt thăn, thịt mông ngon hiện bán lẻ tại chợ đã tới 100 nghìn/cân – tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Trước người ta đi chợ thường chỉ mua tầm 20-30 nghìn đồng là đã có nửa cân thịt. Còn bây giờ, dân cu-li sẵn tiền, nhưng ra chợ mua cân thịt coi như mất đứt ngày công, vì thế họ cũng chỉ mua mỗi người vài lạng là cùng. Các mối hàng lớn như hàng ăn, bếp ăn tập thể họ cũng cắt giảm thịt lợn và chuyển sang các món khác rẻ hơn như đậu, cá... Còn cánh công nhân ở mấy KCN Phố Nối thì nhiều người không còn dám mua thịt nữa. Trước mỗi ngày ra chợ bán đứt tạ thịt, còn bây giờ thì 30-40 kg không hết”.
Tạt qua khu chợ Dấm, xã Nhân Hòa (huyện Mỹ Hào) khi trời đã quá trưa, nhưng phản thịt của chị Nguyễn Thị Tơ (thôn Nội Xá) vẫn nguyên mấy súc to tướng. Một cô gái trẻ bụng mang bầu thề lề, tạt xe đạp vào ngắm nghía mấy súc thịt. Bà Tơ nhấm nhẳn:
- Thôi, trưa rồi, tao lấy rẻ cho 25 nghìn 3 lạng.
- 22 nghìn thì cháu lấy, thịt gì đắt như vàng thế, còn mua gạo nữa chứ, mua thịt về ăn vã à?
Cô gái đi rồi, bà Tơ quay sang bảo tôi: “Nó làm công nhân ở khu công nghiệp Phố Nối A, trọ ở làng này, có một con rồi, lại sắp sinh đứa nữa. Khổ, sáng giờ nó ra chợ, vòng qua vòng lại phản thịt ba lần mà không dám mua mấy lạng thịt".
Anh Nguyễn Đình Tùng, một chủ trại lợn tại Văn Lâm (Hưng Yên) cho biết, bên cạnh lo sợ dịch, thì nhiều trang trại (đặc biệt là các trang trại bé ít vốn) từ cuối năm 2010 đến nay không vào được giống mới bởi không thể vay được vốn của ngân hàng. “Không chỉ phải chịu lãi suất quá cao (tới 19%), mà ngân hàng cũng rất dè dặt cho vay. Các năm trước, tài sản thẩm định của tôi Ngân hàng NN-PTNT ở đây họ cho vay 500-600 triệu, nhưng bây giờ họ chỉ cho vay 300-400 triệu, trong khi đó, hiện trang trại tôi cần ít nhất 1 tỉ đồng mới đảm bảo vào lứa giống mới” – anh Tùng nói.
|
AGROINFO - Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam