Vĩnh Long: Sản xuất lúa theo hướng bền vững

14/04/2011

Tỉnh Vĩnh Long đang tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho nông dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng bền vững, phấn đấu năm nay sản xuất lúa 3 vụ đạt hơn 164.000ha, với tổng sản lượng 894.000 tấn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Ngành Nông nghiệp đang cùng với các huyện, thành phố tập trung dồn sức cho thực hiện kế hoạch thủy lợi mùa khô; giải quyết, thực hiện tốt khâu đầu ra cho nông sản, trong đó xây dựng vùng nguyên liệu tập trung qua hình thức đẩy mạnh đầu tư phát triển các hợp tác xã sản xuất nông sản với số lượng lớn và chất lượng cao. Chi cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm khuyến nông tỉnh chú trọng tập huấn cho nông dân ứng dụng các biện pháp sản xuất 3 giảm 3 tăng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; cày ải phơi đất…; tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm”, “Sản xuất lúa 4 tốt”, “Cộng đồng sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP ”, “Cùng nông dân ra đồng”, ứng dụng công nghệ sinh thái phòng trừ rầy nâu hại lúa”.
Tùy theo điều kiện của từng địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất lúa tập thể với quy mô từ 3 –15 ha, thu hút từ 10 đến 20 hộ nông dân tham gia. Đặc biệt, Vĩnh Long còn kết hợp với Cty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang xây dựng mô hình sản xuất lúa tập thể “Liên kết 4 nhà” tại các huyện trong tỉnh. Đây được xem là những thành công trong việc vận động nông dân liên kết cùng nhau hợp tác sản xuất theo hướng tập thể, nâng cao năng suất và chất lượng lúa hàng hóa. Kết quả thu hoạch từ các mô hình sản xuất lúa tập thể cho thấy, so với ruộng canh tác đơn lẻ ngoài mô hình, bình quân chi phí sản xuất giảm từ 3 – 5 triệu đồng/ ha; năng suất lúa cao hơn gần 1 tấn/ ha, lợi nhuận thu thêm từ 3 – 4 triệu đồng/ ha.
Tam Bình là một trong những huyện đi đầu trong phong trào sản xuất lúa tập thể ở tỉnh Vĩnh Long. Toàn huỵên có 74/132 ấp vận động nông dân tham gia mô hình cộng đồng sản xuất lúa bền vững, gắn với sản xuất lúa chất lượng cao trên diện tích hơn 1.300 ha. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng phương pháp sạ hàng và quản lý tốt dịch hại nên nông dân vừa giảm được chi phí đầu tư trong canh tác, vừa tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hoá. Vụ lúa Hè-Thu năm nay, huyện triển khai 2 mô hình điểm sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hậu Lộc. Mỗi mô hình có diện tích từ 10- 15ha và có khoảng 15- 20 hộ dân tham gia. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí giống lúa và được tập huấn kỹ thuật canh tác, đồng thời nông dân phải có nhật ký sản xuất và đảm bảo các yêu cầu về quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hiện nay. Trên cơ sở hiệu quả sản xuất từ 2 mô hình này, năm 2012, huyện sẽ chọn một mô hình để đầu tư sân phơi, máy sấy, kho bãi nhằm mở rộng sản xuất./.
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin khác