Ninh Bình: Hiệu quả từ hoạt động khuyến công

14/04/2011

Thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình đề án, hoạt động khuyến công tỉnh Ninh Bình đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp nông thôn tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, năm 2010 hoạt động khuyến công tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Với gần 2 tỷ đồng hỗ trợ từ hai nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công tỉnh (TTKC) đã triển khai được 32 đề án tập trung vào các nội dung đào tạo nghề, khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ mô hình trình diễn, tổ chức và tham dự các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh…
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, năm 2010 TTKC tỉnh đã dành 720 triệu đồng thực hiện 21 đề án đào tạo nghề cho 1.230 lao động khu vực nông thôn. Trong quá trình thực hiện, TTKC luôn tập trung vào đào tạo những nghề cần nhiều lao động, có lợi thế ở địa phương và có thu nhập ổn định như: nghề may công nghiệp, thêu ren, chế biến cói và chế tác đá mỹ nghệ…Với việc kêu gọi các DN, CSSX tham gia đóng góp kinh phí, đào tạo nghề, TTKC đã tạo được mối quan hệ cung - cầu giữa DN và người lao động (người lao động vừa có việc làm ngay sau đào tạo, DN lại có nguồn nhân lực đảm bảo phục vụ cho sản xuất).
Không chỉ chú trọng thực hiện những đề án đào tạo nghề, TTKC cũng rất khuyến khích các DN, CSSX công nghiệp nông thôn đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2010, Trung tâm đã dành 909 triệu đồng hỗ cho: Công ty TNHH Phương Thành An xây dựng mô hình kỹ thuật cán tôn, dập xà gồ thép; Công ty TNHH xây dựng và thương mại Nam Thành xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất, gia công các thiết bị máy móc phục vụ ngành sản xuất xi măng; DN tư nhân Đàm Khánh xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất đá ốp lát, đá mỹ nghệ xuất khẩu; Công ty TNHH Trường Thành xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất gạch Tuynel. Những mô hình này sau khi được áp dụng đã phát huy hiệu quả, năng suất sản xuất, chất lượng sản phẩm và doanh thu của các DN được nâng lên rõ rệt.
Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ cho DN làng nghề đá Ninh Vân tham dự hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ 28 tỉnh phía Bắc tại Bắc Ninh và thực hiện đề án xét duyệt công nhận làng nghề…Tổng kinh phí mà Trung tâm hỗ trợ cho những nội dung này là hơn 200 triệu đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của hoạt động khuyến công đối với các DN, CSSX, làng nghề, UBND tỉnh Ninh Bình cũng dành nhiều chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng… để thu hút các DN đầu tư vào ngành công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Sang năm 2011, trên tinh thần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nội dung hoạt động khuyến công, trung tâm khuyến công sẽ tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của các đề án đào tạo nghề và đặc biệt chú ‎ý phát triển các làng nghề, sản phẩm thủ công tiêu biểu gắn với phát triển du lịch; Tiếp tục khuyến khích các DN, CSSX đổi mới công nghệ sản xuất, nhất là với những thiết bị công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường thực hiện những đề án xây dựng cơ sở hạ tầng cụm, điểm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư Trước mắt, trung tâm sẽ triển khai kế hoạch khuyến công quốc gia đợt 1 của tỉnh là phối hợp với DN Ngọc Sơn, Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động, Công ty TNHH Đổi Mới, DN Ba Lan tổ chức đào tạo nghề đan cói, bèo, bẹ chuối xuất khẩu cho 800 lao động tại huyện Kim Sơn, Yên Khánh. Tổng số kinh phí hỗ trợ cho đề án này là 480 triệu đồng./.
AGROINFO - Theo Báo Kinh tế Việt Nam
 

Tin khác