Từ chỗ chỉ một người biết thêu, đến nay, đội ngũ thợ thêu thành thục tay nghề ở Lộc Nam đã có gần 500 người.
Chịu lép trung gian
Về lại Lộc Nam đầu tháng 4.2011, chúng tôi thực sự "choáng" với thông tin trên của chính vị Chủ tịch UBND xã. Nhưng chúng tôi chạnh lòng, bởi điều ước của anh Hoàn: "Ước chi xã chúng tôi có được một dự án nho nhỏ với số vốn chỉ vài ba trăm triệu đồng để duy trì và phát triển nghề thêu; thậm chí trăm triệu đồng cũng được".
|
Chị Hoàng Thị Hạnh, người có công đầu trong việc hình thành làng thêu Lộc Nam.
|
Từ thông tin của Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hoàn, chúng tôi đến thôn 9 của xã để tìm hiểu "cái nôi" của nghề thêu ở đây. Chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Hạnh, người đầu tiên của xã Lộc Nam thạo nghề thêu và cũng là người đầu tiên truyền nghề cho chị em địa phương.
Tay vẫn không rời khung thêu đang thêu dở bức "Du thuỷ", chị Hạnh kể: "Em quê gốc Hà Nam. Trước đây, em sống tại Bảo Lộc và làm nghề thêu ren. Năm 1999, lấy chồng rồi về Lộc Nam, trong xã này chỉ mỗi một mình em làm nghề thêu. Em rủ một số chị em trong xã để em dạy nghề cho họ. Đến giờ, cả xã có trên dưới 500 chị biết thêu".
Chị Hạnh cho hay, hiện chị và các chị em trong xã đang thêu hàng gia công cho một cơ sở tranh thêu ở Bảo Lộc chứ không phải ở Đà Lạt. Như vậy có nghĩa, người lao động ở đây phải qua ít nhất 2 tầng nấc trung gian vì Bảo Lộc chính là "trung gian" của những cơ sở tranh thêu lớn ở Đà Lạt. Cũng có nghĩa là, chị Hạnh là người làm ra bức tranh thêu "Du thủy" ấy nhưng không bao giờ được ký tên mình vào tranh mà phải qua hai tầng lớp trung gian, bức tranh mới có tên "tác giả".
Ước có vốn
Nghề thêu không những đã giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn, mà còn tạo sự ổn định xã hội. Vì vậy, chúng tôi rất mong có sự đầu tư của Nhà nước để nghề có thể phát triển…
Ông Nguyễn Văn Hoàn
Trở lại điều ước của ông Hoàn, chúng tôi hiểu vì sao chị Hạnh phải chấp nhận điều đó. Xã Lộc Nam hiện đang "tắc" về nguồn vốn để duy trì và phát triển nghề.
Theo chị Hạnh, chỉ cần khoảng 50 - 70 triệu đồng là chị có thể đứng ra tổ chức cho vài chục chị em trong xã làm và tự tiêu thụ sản phẩm. "Lúc này, khung dệt các loại, chị em trong xã có cả rồi. Vấn đề cần có vốn để tự lấy nguyên liệu (vải, chỉ thêu…). Đội ngũ thợ thêu có 500 chị em thạo nghề nên việc đào tạo nghề cũng không quá căng thẳng"- chị Hạnh nói.
Hỏi về thu nhập, chị Hạnh cho biết: "Trung bình, một công lao động thu nhập khoảng 70.000 - 80.000 đồng. Nghề thêu chỉ làm lúc rỗi với mức thu nhập như vậy là hợp lý". Về đầu ra, chị Hạnh tự tin là không ngại bởi: "Mấy trăm chị em làm nghề thêu ở Lộc Nam từ 1999 đến nay chưa bao giờ bị "dội hàng" cả. Từ trước đến nay, sản phẩm tranh thêu chị em trong xã làm ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu".
Nghề thêu mới "du nhập" về Lộc Nam và đang nuôi sống một bộ phận không nhỏ người lao động ở địa phương. Chỉ vài trăm triệu đồng cho một dự án để duy trì và phát triển làng nghề thêu ren của Lộc Nam không phải là con số quá lớn đối với tỉnh Lâm Đồng. Người lao động nơi đây rất cần sự quan tâm của tỉnh để giúp làng nghề phát triển...
AGROINFO - Theo Báo Nông thôn ngày nay