Ở vị trí lãnh đạo của Hiệp hội có liên quan trực tiếp đến gia súc, gia cầm, ông đánh giá sao về thị trường thịt lợn hiện nay?
Chưa bao giờ giá thịt lợn cao như lúc này. Như những năm trước, 1 tạ thịt lợn hơi có giá từ 0,7 – 1,2 chỉ vàng, trong khi hiện nay dao động khoảng 1,6 chỉ vàng. Thế nhưng, người chăn nuôi vẫn không mặn mà, nhiều nơi không đủ lợn để cho vào chuồng, thậm chí sắp bỏ nghề. Còn những người bán thức ăn thì không dám cho nợ. Nhiều ngân hàng không dám cho người chăn nuôi tiếp tục vay vốn…
Theo ông, vì sao vậy?
Chúng ta đổ tại thức ăn đắt ư? Sai bét bởi giá bán trừ đi giá thức ăn, người chăn nuôi vẫn có lãi khoảng 18.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Theo tôi, nguyên nhân cơ bản nhất xuất phát từ ngành thú y đã không khống chế được dịch, phương châm chống dịch sai. Tại sao cứ hễ thấy có dịch là tiêu diệt, đền bù. Trong khi phải phòng bệnh là chính chứ. Bên cạnh đó, số cán bộ thú y cơ sở hiện quá ít: 1 người thú y xã phải phụ trách tới 10.000 dân, làm sao hết việc. Thế nhưng tiền công họ nhận cũng ít lắm, không đủ tiền xăng đi hàng ngày.
Có lần về quê, tôi hỏi ông thôn trưởng về dịch bệnh và được biết, ông này luôn để thuốc tiêm phòng ở bờ chuối. Chờ cho qua đợt tiêm phòng thì mới mang ra bởi không có thú y viên đi tiêm phòng. Ngoài ra, cơ quan quản lý thú y phải xem lại hiệu lực, hiệu giá của những loại vacxin mình cho mua về. Chứ giao hết cho công ty nhập khẩu thì không thể yên tâm về chất lượng.
Có ý kiến cho rằng, bây giờ người chăn nuôi dễ kiếm tiền bằng việc khác ở thành phố nên cũng không mặn mà với chuyện nuôi mấy con lợn, con gà nữa. Ông nghĩ sao?
Cũng đúng nhưng không phải là phổ biến bởi bản chất người nông dân luôn muốn tạo công việc ngay tại nhà, cho dù ở nhà không được no như khi ra ngoài. Việc các gia đình đồng ý cho con cái ra làm thuê ở thành phố chỉ là hãn hữu thôi. Tôi thấy nhiều nơi nông dân làm ở nhà biết tính toán một chút thu nhập cao hơn đi làm thuê cho chủ.
Tuy nhiên, điều làm nông dân không an tâm, như đã nói là dịch bệnh triền miên, người dân cảm thấy thất bại nhiều hơn thành công, thậm chí thua lỗ đến cùng đường. Hễ nói đến chăn nuôi là ai cũng oải bởi việc phòng chống dịch ngành thú y gần như bất lực. Ở đâu đó, chúng ta cứ đổ tại do thức ăn tăng cao là sai lầm bởi thú y, phòng dịch mới là sự sống còn, là số 1. Còn việc các ngân hàng không dám cho người chăn nuôi tiếp tục vay hoàn toàn có cơ sở đấy chứ. Khi xuống hỏi 1 ngân hàng ở huyện, cô nhân viên nói rằng, có hộ chăn nuôi bị thú y xuống diệt hết lợn nên 4 năm liền hộ này không trả tiền ngân hàng vì thế nhân viên ngân hàng bị treo lương.
Theo ông giải pháp nào chúng ta có thể khắc phục những bất cập trên?
Tôi từng có kiến nghị với lãnh đạo ngành Nông nghiệp rằng, phải quán triệt việc phòng chống dịch gia súc, gia cầm từ cơ sở. Vì mỗi thôn, xã đều có chi bộ. Mỗi đảng viên có thể phụ trách 15 gia đình và chịu trách nhiệm phải giáo dục tư tưởng cho người dân ý thức phòng chống dịch. Từng làng, từng bản phải tổ chức màng lưới thú y cơ sở thật tốt, thật chặt từ người bán thuốc, thú y chuyên ngành đến người chăn nuôi. Đây sẽ là những mắt xích chặt, sẵn sàng “ra quân” thật nhanh khi có thông tin về 1 ổ dịch bệnh.
Ngoài ra, chúng ta phải tạo mô hình phòng chống dịch, trong đó phòng dịch là chính. Cuối cùng mới là biện pháp chăn nuôi làm sao cho đủ dinh dưỡng.
Những giải pháp ông đưa ra liệu có quá cũ không?
Không hề cũ, vì đó là vấn đề phòng chống dịch căn bản. Cũng cần nói thêm rằng, bây giờ dịch bệnh nặng hơn nhiều năm về trước (hiện có tới 39 tỉnh có dịch heo tai xanh). Vì vậy theo tôi, muốn người dân tiếp tục chăn nuôi để cung cấp thịt cho thị trường không bị khan hiếm, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các DN chăn nuôi vừa và nhỏ. Riêng với mức đền bù cũng xem lại bởi mức giá đó chưa bằng 1/2 so với giá bán thịt hơi trên thị trường.
Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với ngành chăn nuôi, ông có lời khuyên nào đối với bà con chăn nuôi lúc này?
Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, người chăn nuôi phải mềm dẻo, thay đổi vật nuôi như chuyển đổi sang gia cầm nhiều hơn nữa. Đây cũng là giải pháp lúc này người chăn nuôi phải áp dụng ngay. Chứ hiện nay, trung bình người Việt ăn có 5 kg thịt gia cầm/năm/người, 68 quả trứng/năm/người. Trong khi so với Trung Quốc, tiêu thụ tới 20-25kg gia cầm/người/năm; 350 quả trứng/người/năm.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam