Cà Mau: Thiếu vốn nuôi tôm công nghiệp

18/04/2011

Theo quy hoạch nuôi tôm công nghiệp, tỉnh Cà Mau phấn đấu đạt 10.000 ha vào năm 2015, cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 năm tới (2011 - 2015) là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn trong triển khai thực hiện quy hoạch này là tìm nguồn vốn đầu tư, mặc dù tỉnh sẽ huy động vốn từ doanh nghiệp, vốn trong dân, ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ.

Thực tế nhiều năm qua, nông dân Cà Mau gần như không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng do chưa trả được nợ cũ mà chỉ được “vay mới trả cũ” nên thiếu vốn đầu tư nuôi tôm, đó còn chưa kể vốn vay hạn chế, không đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân. Một bộ phận khá lớn nông dân Cà Mau là hộ nghèo và cận nghèo nên không đủ khả năng nuôi tôm công nghiệp. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản chưa mặn mà trong việc liên kết với nông dân nuôi tôm, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu do vốn đầu tư lớn, lãi suất ngân hàng tăng cao, tôm nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa thật sự đảm bảo ăn chắc. Trong khi đó, đầu tư nuôi tôm công nghiệp phải đồng bộ các khâu thiết kế ao đầm đúng kỹ thuật, con giống chất lượng cao, sử dụng đúng chế phẩm sinh học, điện 3 pha và những nhu cầu thiết yếu khác… mới mang lại hiệu quả và ngược lại thì dễ bị phá sản.
Ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết: Tính riêng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng như: san ủi, thiết kế ao đầm nuôi đúng kỹ thuật, hệ thống điện 3 pha, máy bơm nước, cánh quạt nước, xử lý nguồn nước… bình quân 300 triệu đồng/ha. Vốn lưu động phục vụ quá trình nuôi tôm tương đương với số này mới mong đảm bảo ăn chắc. Như vậy, để đầu tư 10.000 ha nuôi tôm công nghiệp, Cà Mau cần khoảng 6.000 tỷ đồng, bình quân 1.200 tỷ đồng/năm, số tiền này không phải dễ tìm.
Được biết, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đứng đầu cả nước có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư nuôi tôm công nghiệp để chế biến xuất khẩu. Hiện, Minh Phú tập trung đầu tư nuôi tôm công nghiệp khoảng 1.000 ha, trong đó nuôi ở Kiên Giang hơn 500 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 300 ha và còn lại tại Cà Mau, nhằm cung cấp 15 - 20% nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Hiện nay, Cà Mau đã ban hành quy định cơ chế phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp đến thời điểm này là 2.723 ha, trong đó đang thả giống nuôi 1.700 ha, nhưng nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn cho nuôi tôm. Đó còn chưa kể những bất lợi khác như: hệ thống thủy lợi không đồng bộ, môi trường nguồn nước ô nhiễm, thiếu con giống chất lượng cao./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=455245


Tin khác