Giá Gạo Việt Nam bằng giá Thái Lan: Khi Thái Lan ’’xả hàng’’

18/04/2011

Giá xuất khẩu không theo kịp giá thu mua trong nước khiến doanh nghiệp không có lãi. Các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng xu hướng giá gạo của Việt Nam bằng với gạo Thái Lan chưa hẳn đã tốt. Trái lại, doanh nghiệp gạo Việt Nam lại khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

Thái Lan xả hàng
Trên thị trường gạo, giá gạo Việt Nam đã tăng lên xấp xỉ hoặc thậm chí cao hơn so với gạo Thái Lan. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua tăng 4% lên 485-490 USD/ tấn, trong khi gạo loại một của Thái Lan giá giảm xuống 475-480 USD/tấn. Gạo Việt Nam đã tăng giá 22% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù vẫn chưa bằng một nửa mức kỷ lục 1.000 đôla/tấn hồi tháng 5-2008.
Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, cho biết việc giá gạo Việt Nam được chào giá bằng hoặc hơn gạo Thái Lan là điều có thật. Điều này bắt nguồn từ nguyên nhân giá thu mua lúa gạo trong nước đang ở mức cao. Hiện lúa khô có giá bình quân 6.000 đồng/kg. Nếu doanh nghiệp bán giá thấp sẽ bị lỗ. Bên cạnh đó, thời gian gần đây Thái Lan cũng chủ trương giảm giá xuất khẩu để giải quyết số gạo tồn kho lên tới 4 triệu tấn.
Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ khó khăn trong thời gian tới.
 
GS Võ Tòng Xuân cho biết ở Thái Lan khác với Việt Nam, lúa của nông dân sau khi thu hoạch được chính phủ ấn định giá và mua tạm trữ. Sau đó, chính phủ mới tiến hành đấu giá cho doanh nghiệp đem đi xuất khẩu. Khó khăn trong năm nay, lúa mà nông dân bán cho chính phủ quá nhiều khiến Thái Lan phải chấp nhận giảm giá xuất khẩu.
“Tuy nhiên, điều cần lưu ý là Thái Lan chỉ dư thừa lúa cao sản nên phải giảm giá ngang bằng Việt Nam. Còn giá gạo thơm, gạo cao cấp của Thái Lan vẫn cao hơn nhiều so với Việt Nam” - GS Xuân nhấn mạnh.
Áp lực đè lên doanh nghiệp
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Thanh Long cho hay việc Việt Nam chào giá xuất khẩu cao chưa thể hiện được rằng giá gạo Việt Nam bằng với giá Thái Lan. Điều quan trọng là doanh nghiệp có bán được hay không. Chưa kể, nếu giá gạo hai nước bằng nhau thì tất nhiên đối tác nước ngoài sẽ chuyển qua mua gạo của Thái Lan. Trên thực tế, gần đây một số nhà nhập khẩu đã chuyển sang tìm kiếm doanh nghiệp Thái Lan để mua hàng.
Ông Trần Ngọc Trung, Giám đốc Công ty Vinh Phát, cho biết khó khăn của doanh nghiệp gạo hiện nay là giá mua lúa trong nước nằm ở mức cao mà giá xuất khẩu không theo kịp. Điều này khiến doanh nghiệp gạo thời điểm này không có lãi, hoạt động kinh doanh không hiệu quả lắm. “Lúc này doanh nghiệp cố gắng không để lỗ nhằm bảo đảm cho người trồng lúa được lợi. Kinh doanh cũng có lúc này lúc khác. Hy vọng sau này tình hình sẽ khả quan hơn” - ông Trung nói.
Theo ông Trung, rất khó để dự đoán thị trường lúa gạo trong thời gian tới. Giá gạo Việt Nam bằng gạo Thái Lan sẽ là khó khăn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, lợi thế của Việt Nam là phần lớn lượng gạo còn trong kho đều mới thu hoạch, có chất lượng tốt. Trong khi đó, nhiều thông tin cho hay lượng gạo mà Thái Lan xả hàng trong đợt này có chất lượng hơi xấu do tồn trong kho quá lâu.
GS Xuân cho biết giá gạo Thái Lan giảm chỉ là tạm thời. Trong thời gian tới, nước này buộc phải tăng giá xuất khẩu lên. Hiện giá thành sản xuất lúa gạo tại Thái Lan đang tăng cao nên việc giảm giá xuất khẩu khiến cho người trồng lúa trong nước thua lỗ. Mới đây rất nhiều nông dân đã xuống đường gây áp lực cho chính phủ phải tăng giá thu mua nội địa.
Nhiều doanh nghiệp cho hay hiện hợp đồng thương mại rất khó ký. Chưa kể khách hàng châu Âu, châu Phi lại có xu hướng mua gạo của Pakistan vì giá thấp hơn Việt Nam. “Những diễn biến như vừa qua cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường gạo không chỉ diễn ra đối với các doanh nghiệp mà còn là cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia với nhau” - ông Long cho hay.
Khó đạt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn
việc nhiều đối tác chuyển qua mua gạo Thái Lan sẽ ảnh hưởng doanh nghiệp Việt Nam. Điều này không chỉ tác động đến việc tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân, mà còn ảnh hưởng đến vụ mùa hè thu sắp tới. Nếu tình hình này vẫn giữ nguyên, e rằng mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm như Bộ Công Thương đưa ra khó thành hiện thực.
Nguyễn Thanh Long - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Gạo Việt
Thái Lan sẽ phải tăng giá xuất khẩu
thời gian tới, Thái Lan sẽ phải tăng giá xuất khẩu mới bù đắp nổi chi phí bỏ ra trong sản xuất lúa. Hiện giá thành sản xuất lúa gạo tại Thái Lan cao hơn nhiều so với Việt Nam. Ở Thái Lan, trung bình một ngày công lao động khoảng 6 USD, trong khi ở Việt Nam khoảng 2 USD. Tiếp nữa, Thái Lan chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao nên năng suất rất thấp, chưa đến 3 tấn/ha, trong khi năng suất lúa ở Việt Nam xấp xỉ 5,3 tấn/ha.
GS-TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam
 
AGROINFO – Theo Cafef.vn

Tin khác