Vừa qua, NNVN đã liên tiếp phán ánh về hiện tượng cây cao su chết hàng loạt ở các tỉnh Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc. Sau đó, Tập đoàn CNCS VN (VRG) đã có cuộc họp nhằm chấn chỉnh lại công tác trồng mới.
Trước hết, VRG cho rằng các Cty CP Cao su Lai Châu I, Lai Châu II, Sơn La và Điện Biên tuy vẫn tiếp tục trồng mới theo kế hoạch, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về giống và chất lượng, tuyệt đối không được chạy theo “thành tích”. Riêng đối với Cty CP Cao su Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ thì phải dừng ngay khai hoang và trồng mới năm nay, tập trung khắc phục vườn cây bị thiệt hại do đợt rét cuối năm 2010 và đầu năm nay. Lưu ý theo dõi thí điểm trồng xen keo chắn gió, trồng thêm cao su giữa các cây bị ảnh hưởng bởi rét nhưng còn khả năng phục hồi tại Công ty CP Cao su Hà Giang, Yên Bái.
Theo ông Nguyễn Hồng Phú- Phó TGĐ VRG, Phó Ban thường trực BCĐ phát triển cao su VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc, quan điểm của VRG là kiên trì chiến lược phát triển cao su ở khu vực này theo hướng nơi nào thuận lợi, được chính quyền và người dân địa phương ủng hộ thì làm trước, nơi nào chưa được đồng thuận cao, còn khó khăn thì triển khai sau. Trồng cao su đến đâu thì phải chắc chắn đến đó, không chạy theo thành tích phát triển số lượng. Cũng theo ông Phú, tới đây VRG sẽ làm việc về quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn từng tỉnh và có văn bản đề nghị Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển cao su tại các tỉnh này.
Tại khu vực Trung bộ, lãnh đạo VRG cũng cho rằng, tuy có nhiều khó khăn so với các vùng khác nhưng vẫn còn tiềm năng mở rộng diện tích trồng mới cao su. Đặc biệt, ưu tiên phát triển cao su từ chuyển đổi đất rừng nghèo do các NLT quản lý, nhất là ở Hà Tĩnh và Quảng Nam. Riêng Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Ngãi cố gắng mở rộng diện tích cao su lên tối thiểu là 3.000 ha. Theo ông Lê Xuân Hòe- Phó TGĐ VRG, Phó Ban thường trực BCĐ phát triển cao su ở khu vực này, sắp tới VRG sẽ tiến hành rà soát lại quy hoạch. Sau khi có kết quả, VRG sẽ có văn bản trình Chính phủ và Bộ NN-PTNT thống nhất điều chỉnh quy hoạch phát triển cao su lên 50 ngàn ha vào năm 2015.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề nổi cộm và không ít bất cập là công tác giống phục vụ trồng mới. Đánh giá của VRG thừa nhận, hiện có vài DN “buông lỏng” công tác tuyển chọn giống, giống chưa phù hợp và chưa thống nhất. Theo VRG, bắt đầu từ năm nay, giống và cơ cấu giống trồng mới phải thực hiện theo đúng chỉ đạo của hai “ông” đứng đầu kỹ thuật là Ban QLKT VRG và Viện Nghiên cứu cao su VN (gọi tắt là Viện).
Cụ thể, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Ban QLKT và Viện sẽ tiến hành rà soát bổ sung giống mới, các giống cao su Trung Quốc phù hợp vào bộ giống cao su khuyến cáo trồng cho khu vực. VRG chỉ đạo nhập giống cao su chịu lạnh từ Trung Quốc, bắc Lào chuẩn bị cho trồng dặm, trồng mới năm 2011, đồng thời Công ty CP Cao su Điện Biên chịu trách nhiệm xây dựng vườn ươm, vườn nhân tại tỉnh Udomxay (Cộng hòa DCND Lào) để cung cấp giống phục vụ trồng mới cho các công ty cao su khác từ năm 2012.
“VRG đang rà soát bổ sung và điều chỉnh quy trình kỹ thuật và cơ cấu giống trồng mới cho khu vực Bắc Trung bộ và miền núi phía Bắc, bảo đảm phù hợp với điều kiện khí hậu của từng khu vực” - TGĐ Trần Ngọc Thuận.
|
Bên cạnh đó, Viện triển khai kế hoạch thành lập Trung tâm giống tại Tây Bắc, chuẩn bị cho việc phát triển cao su lâu dài của VRG tại khu vực này, cũng như chịu trách nhiệm cung cấp giống cao su cấp I và cấp II phục vụ trồng mới kể từ năm 2012. Việc trồng mới năm nay và năm kế tiếp theo hướng sử dụng 70% giống cao su Trung Quốc và 30% giống có khả năng chịu lạnh của Viện. Ngoài số lượng giống cấp II do Viện cung cấp, các Cty cao su khu vực miền Đông Nam bộ còn tham gia cung cấp giống cấp II cho các Cty cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc có tham gia góp vốn.
Trước mắt, các Cty cao su phía Bắc rà soát lại các hợp đồng mua bán giống năm 2011, kiên quyết hủy bỏ hợp đồng nếu giống và chất lượng giống không phù hợp với chỉ đạo của ngành. Đặc biệt, cây giống phục vụ trồng dặm, trồng mới năm 2011 và các năm tiếp theo trước khi trồng nhất thiết phải có ý kiến xác nhận của Ban QLKT VRG và Viện Nghiên cứu Cao su VN.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/76966/Default.aspx