Đối tượng nào được bảo hiểm nông nghiệp?

18/04/2011

Ngày 14/04, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng chủ trì cuộc họp triển khai QĐ số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013.

Theo Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, QĐ 315 là chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ người SXNN bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Đây cũng là cơ hội lớn để ngành NN-PTNT tổ chức lại SX, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp bền vững… Ông Hùng cho biết, Bộ NN-PTNT có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các loại thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm theo quy định, phối hợp với Bộ Tài chính quy định hồ sơ, thủ tục, quy trình hỗ trợ, đảm bảo đúng phạm vi đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, phê chuẩn quy tắc, biểu phí, mức trách nhiệm bảo hiểm. Ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí về quy mô trồng lúa, chăn nuôi, NTTS tham gia thí điểm bảo hiểm…
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao nhận định, việc thí điểm BHNN là cực kỳ khó khăn. “Từ năm 1995-2000 Hà Nội từng thí điểm bảo hiểm cho đối tượng là đàn bò sữa nhưng sau đó lại bỏ dở chừng. Năm 2001 một số DN nước ngoài vào VN tìm hiểu về bảo hiểm vật nuôi nhưng họ đều lắc đầu, bởi chăn nuôi ở ta nhỏ lẻ, manh mún, dễ phát sinh dịch bệnh. Hiện Nhà nước thí điểm thì chúng ta phải làm. Nhưng có bảo hiểm hết các loại vật nuôi theo quy định, hay chỉ chọn mỗi địa phương 1 loại vật nuôi? Kinh phí tổ chức triển khai, xây dựng lấy từ nguồn nào?” - ông Giao nói.
Về kế hoạch triển khai BHNN, Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Cục BVTV được giao phối hợp với Cục Trồng trọt xây dựng các quy định về quy mô SX, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình SX, mức độ ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm trong SX lúa tại 7 tỉnh. Vậy chọn thí điểm bảo hiểm cây lúa ở cả tỉnh, cả huyện hay cả xã? Quy mô diện tích được bảo hiểm quy định thế nào? Các loại bệnh nào, thiệt hại bao nhiêu phần trăm thì được bảo hiểm?
Ngày 13/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát có QĐ thành lập BCĐ của Bộ NN-PTNT triển khai thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013. Theo đó Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng là Trưởng BCĐ, Cục trưởng Cục KTHT-PTNT Tăng Minh Lộc là Phó BCĐ. Các ủy viên gồm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Cục trưởng Chăn nuôi, Thú y, BVTV, Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế…
Q. Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm đề nghị sửa nội dung “Xây dựng các quy định về quy mô SX, tiêu chuẩn kỹ thuật…” thành “Quy trình phòng bệnh trong chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm”. Ông cũng kiến nghị chỉ chọn vật nuôi cơ bản là lợn, gà là đối tượng được bảo hiểm. Những khu vực đã áp dụng thí điểm BHNN thì không được hỗ trợ rủi ro vật nuôi theo QĐ 719 và 142 nữa.
Đại diện Vụ Tài chính cho biết sẽ phối hợp Cục Kinh tế Hợp tác-PTNT tham gia xây dựng các quy định hồ sơ, thủ tục, quy trình hỗ trợ, mức trách nhiệm bảo hiểm cho các đối tượng thực hiện thí điểm BHNN. Hiện Bộ Tài chính có nguồn hỗ trợ rủi ro thiên tai. Khi địa phương xảy ra sự cố sẽ cấp thẳng cho cơ quan bảo hiểm…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định Bộ NN-PTNT là đơn vị đầu mối xây dựng Thông tư về thí điểm BHNN. Cục Kinh tế Hợp tác-PTNT chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ liên quan hoàn thiện Thông tư, để lãnh đạo Bộ NN-PTNT ký ban hành từ ngày 10/6/2011. Ông Hùng nhất trí áp dụng bảo hiểm thiên tai do lũ lụt, bão, hạn hán, rét đậm rét hại, sương giá; áp dụng bảo hiểm dịch bệnh chăn nuôi như cúm gia cầm (gà, vịt), LMLM, tai xanh (trâu, bò, lợn); áp dụng bảo hiểm bệnh thủy sản như bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng (tôm sú, tôm thẻ chân trắng); bảo hiểm cây lúa như bệnh VL-LXL, rầy nâu.
“Bảo hiểm cho thủy sản quy định đã rõ. Đối với cây lúa thì phải bảo hiểm cả cánh đồng và chỉ bảo hiểm trồng lúa nước. Về chăn nuôi phải bảo hiểm theo quy mô đàn, cần xem xét nuôi bao nhiêu con trở lên mới được bảo hiểm? Tôi đề nghị các Cục chủ động mời địa phương thực hiện thí điểm BHNN họp bàn thống nhất xây dựng các quy định hướng dẫn cụ thể các loại thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm, trước ngày 25/4/2011” - Thứ trưởng chỉ đạo
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
 

Tin khác