Lỗ vẫn nuôi

18/04/2011

Các mặt hàng thực phẩm đang cuốn vào cơn lốc tăng giá, nhưng nông dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm thì lại không được lời bao nhiêu.

Giá tại gốc rẻ như cho, còn tới tay người tiêu dùng thì cao ngất ngưởng.
Phập phù
Năm năm nay, toàn bộ vùng bãi bồi ven sông Hồng thuộc xã Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định cho các hộ dân thuê làm trang trại nông nghiệp, cung cấp nhiều thực phẩm: cá, lợn, gà, chuối, đu đủ… cho nhu cầu tại địa phương và vươn ra các tỉnh lân cận.
Các trang trại đã góp phần làm thay đổi một vùng bãi bồi hoang vu và thổi một luồng gió mới vào tư tưởng làm ăn cũ kỹ của người nông dân bao đời qua. Tuy vậy, nếu nói các trang trại thực sự là cứu cánh cho nông dân nơi đây thì không hẳn như vậy.
Ông Trịnh Bá Loan, xóm Đông là người tiên phong ra bãi bồi thuê đất lập trang trại. Ông thuê 7ha trong 50 năm, số tiền thuê đất không đáng kể: 270 đồng/m2/năm và trả thành 5 lần trong 5 năm năm đầu tiên. Tức mỗi ha khoảng 3 triệu/năm.
Ban đầu, trang trại trồng các loại cây ăn quả như chuối, đu đủ, dưới ao nuôi cá, thả vịt, trong chuồng thì nuôi lợn. Nhưng sau 5 năm, trang trại của ông giờ chỉ còn tập trung vào nuôi mỗi lợn. Đơn giản, các loại khác không mang lại lãi, dù đầu tư không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc.
“Bảo nuôi lợn không có lãi thì không đúng nhưng rất phập phù bởi chu kỳ một lứa lợn kéo dài khoảng 3-4 tháng xuất chuồng, nếu may, xuất vào dịp được giá như đợt này thì lãi khoảng 350.000 đồng/con. Còn không, hòa vốn đã là may mắn” – ông Loan nói.
Một năm, ông nuôi khoảng 3 lứa, mỗi lứa khoảng 300 con, hiện tại lãi chưa thấy đâu vì còn đầu tư chuồng trại, giá cả thức ăn chăn nuôi, thuê nhân công…
Ông hạch toán, một con lợn từ nhỏ tới khi 70-80kg, tiền giống thời điểm hiện tại 420.000 đồng/con từ 5-6 kg. Mỗi ngày một con ăn hết khoảng 13.000 đồng tiền thức ăn gồm các loại cám, gạo, ngô, thức ăn tăng trọng.
“Cho lợn ăn rau hết nhiều công nuôi lắm: lấy rau, thái rau lợn, lại phải thêm vài nhân lực, mỗi công vài chục ngàn/ngày” – ông Loan cho hay.
Trang trại này vừa xuất chuồng 300 con lợn với giá 42.000 đồng/kg. Ông Loan nói: “Chưa bao giờ tôi xuất được giá đó. Rất may lợn xuất chuồng đúng dịp thị trường khan hiếm lợn thịt”.
“Cứ tưởng làm nông dân dễ”
Ông Loan từng sang Nga lao động. Khi trở về nhận ra vùng bãi bồi có thể lập được trang trại, ông chủ động đề đạt thuê đất làm và nghĩ rằng làm nông dân dễ quá, nhưng khi bắt tay vào làm thì ông thấy, để đủ ăn thì đơn giản nhưng làm giàu thì quá khó.
Trước Tết âm lịch, giá thịt lợn xuất chuồng tại khu vực này chỉ vào khoảng 35.000 đồng/kg. Nhưng từ đó tới nay, trang trại này đã phải chứng kiến những “trận” đội giá liên tiếp: thức ăn chăn nuôi tăng 22-23%, có tháng tăng tới bốn lần. “Đấy là tôi mua nhiều khoảng 70-80 triệu tiền hàng/lần lấy, đại lý thường báo tăng giá sớm để tôi mua rẻ hơn được vài trăm ngàn đồng” – ông Loan kể.
Đó là chưa kể, dịch bệnh liên miên, mỗi con lợn phải mất khoảng 30.000 đồng tiền thuốc. Năm ngoái, tự tay ông phải gom và chôn 50 con do bị tai xanh mà cũng không được hưởng một đồng hỗ trợ nào. Nhiều trang trại ở đây khi phát hiện ra dịch bệnh thường bán chạy lợn ra thị trường để vớt vát. Ông Loan thì cho rằng, đằng nào cũng “thua” rồi, bán lợn ốm ra thị trường chẳng hay ho gì. Năm nay, trang trại vừa bỏ ra hơn 1 triệu để tiêm phòng.
Mức lãi 350.000 đồng nói ở trên là chưa tính 3 nhân lực nuôi lợn, không tính tiền phòng chống dịch bệnh, tiền xăng dầu chạy máy phát điện vì điện lưới yếu, không đủ công suất. “Mức tiền đó là phấn khởi lắm rồi, năm ngoái, tôi thường xuyên bị lỗ, đàn lợn 300 con nhưng giá chỉ có 19.000-20.000 đồng/kg, mỗi con lỗ 400.000-500.000 đồng” – ông Loan tâm sự.
Người nông dân không có quyền áp đặt giá bán trên thị trường, tất cả tư thương đến trả giá, không bán nhanh thì lợn quá lứa còn tốn kém hơn, không chủ động được giá thức ăn, dịch bệnh thì xảy ra liên tục… Trong khi đó, thị trường, giá thịt lợn ở mức 80.000 đồng tới 120.000 đồng/kg, do vậy, ông Loan muốn làm trọn hệ thống từ sản xuất tới bán ra thị trường nhưng không có vốn và thị trường vùng quê cũng không đủ để làm mô hình khép kín, xây dựng lò mổ riêng.
Ông Loan phân tích, sản phẩm thực phẩm ra thị trường có hai người bị thiệt: người sản xuất chịu giá thấp và người tiêu dùng chịu giá cao. Trong khi đó, một người bán thịt lợn bình quân giết mổ một con/ngày lãi tối thiểu được 200.000 đồng, thương lái trung gian cũng lãi trên đầu mỗi con lợn vài chục ngàn đồng.
“Trong khi, họ chỉ phải lo đi thu gom, không phải lo dịch bệnh, tiền thức ăn, công nuôi… Còn người chăn nuôi rủi ro lớn quá, tôi biết thế nhưng suy cho cùng, có ai bắt tôi nuôi lợn đâu? Thôi thì cứ làm để may thì được lãi tí chút, còn không may thì… chẹp miêng số trời vậy” – ông Loan buồn rầu nói./.
AGROINFO – Theo Cafef.vn

Nguồn: http://cafef.vn/20110418080057802CA39/lo-van-nuoi.chn


Tin khác