Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu tạo đầu ra ổn định cho nông sản

18/04/2011

Theo các nhà khoa học, chất lượng lúa gạo, trái cây, thủy sản khu vực đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) dù được nâng lên một bước nhưng chưa được kiểm soát dẫn đến việc tăng thị phần và giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Gạo xuất khẩu của ĐBSCL chủ yếu là gạo 15 – 25% tấm, gạo 5% tấm không nhiều. Trái cây chất lượng cao xuất vào thị trường khó tính như châu Âu gần như bằng không, chỉ một lượng nhỏ được xuất sang một số nước châu Á nhưng cũng chưa cạnh tranh nổi với trái cây Thái. Chất lượng và vệ sinh thực phẩm có được nâng lên nhưng không ngang tầm... Tỉ lệ thủy sản xuất khẩu ở dạng giá trị gia tăng và việc xuất khẩu trực tiếp của các nhà máy vẫn chưa nhiều. Theo Bộ thủy sản, tôm cá vùng ĐBSCL xuất phố biến là dạng đông lạnh nguyên con hoặc phi lê. Sản phẩm chế biến chất lượng cao, ăn liền chỉ chiếm trên dưới 10%. Việc thực hiện hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với nông dân cho đến nay vẫn đạt mức thấp và chậm so với yêu cầu của Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Sở nông nghiệp Cần Thơ, các hợp đồng bao tiêu nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp thường có số lượng thấp so với số nông sản được làm ra ( Thí dụ mỗi năm chỉ bao tiêu vài chục ngàn tấn lúa trong khi lượng nông phẩm hàng hóa có tới hàng trăm ngàn tấn). Đây cũng là tình trạng phổ biến của các tỉnh ĐBSCL. Ngay cả khi thanh lý hợp đồng cũng bị đình trệ (chậm mua, chậm trả tiền cho nông dân hoặc nông dân không bán cho doanh nghiệp nhưng không bên nào bị chế tài) . Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá cả nông sản hàng hóa còn bấp bênh, là hậu quả tất yếu khi doanh nghiệp chưa thực sự gắn kết với nông dân vùng nguyên liệu.
Trước thực trạng trên, các tỉnh ĐBSCL đề ra chiến lược tạo đầu ra ổn định cho nông sản trong thời kỳ hội nhập. Theo đó, từ nay đến năm 2020, song song với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ĐBSCL qui hoạch, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghệ sau thu hoạch; phối hợp thực hiện chặt chẽ các khâu từ sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác dự báo thị trường, kiểm tra chất lượng nông sản. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản; liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài có cùng sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường; có chiến lược phát triển thị trường nội địa với kênh phân phối hiệu quả. Các tỉnh qui hoạch sản xuất theo hướng phù hợp môi trường sinh thái, công nghệ cao, tương thích với thị trường quốc tế; kiểm tra chặt chẽ chất lượng tôm, cá tra nguyên liệu, đánh số vùng nuôi để làm cơ sở truy xét nguồn gốc sản phẩm thủy sản. Cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ để người nuôi biết cách tạo ra sản phẩm sạch, bố trí nuôi trong từng thời điểm để không ứ đọng sản phẩm. Các doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để có nhiều sản phẩm tinh chế hơn; quản lý chất lượng hiệu quả hơn để uy tín thương hiệu nông thủy sản Việt Nam được bền vững. Sản xuất nông thủy sản vùng ĐBSCL nói chung được điều chỉnh lại, cơ cấu sản xuất phải gắn chặt với chế biến, bảo quản và vận chuyển bằng kỹ thuật, công nghệ cao; gắn chặt hơn nữa vùng nguyên liệu với thị trường, gắn liên kết và hợp tác giữa ĐBSCL với trong và ngoài vùng, với quốc tế; tạo điều kiện tốt hơn để kinh tế hộ chuyển nhanh sang kinh tế trang trại, gắn với các hình thức hợp tác và hệ thống các kênh thương mại, dịch vụ./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=455380


Tin khác