Chuyên gia cho trái nghịch mùa

18/04/2011

Thường thì mỗi loại trái cây chỉ cho trái chín vào đúng vụ. Nhưng giờ đã có trái ngon ăn quanh năm, song ít ai biết đến một trong những tác giả của “công trình” giúp cây cho trái luân phiên... này.

Bà con nông dân quen gọi ông là “thầy Hâu”. Gần ba chục năm trước, học xong ngành trồng trọt khóa 3 Trường ĐH Cần Thơ, thầy Hâu công tác tại trường cho đến nay. Cùng với việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, với tâm huyết mong giúp bà con nhà vườn thoát cảnh “trúng mùa, rớt giá”, PGS - TS Trần Văn Hâu đã trở thành một trong những chuyên gia khiến cho cây ăn trái ra quả nghịch mùa.
Thấy trái cây ở nước mình chỉ ra quả và cho thu hoạch rộ trong một vụ, mà đây là một lý do khiến trái cây Việt Nam khó cạnh tranh về giá với trái cây nhập khẩu và cũng làm các nhà vườn lao đao với tình trạng trúng mùa, rớt giá hiện nay, TS Hâu rất băn khoăn.
Thầy đã chọn xoài cát Hòa Lộc làm công trình nghiên cứu đầu tiên của mình, vì đây là loại trái cây ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Thầy Hâu cho biết: “Với khí hậu của đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm xoài ra hoa từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau và thu hoạch tập trung vào tháng 4 - 5. Do thu hoạch rộ vào cùng thời điểm như vậy, nên giá xoài chính vụ nhiều lúc xuống rất thấp. Trong khi các dịp lễ, tết, nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất cao, giá cao thì các nhà vườn lại không đủ sản phẩm cung cấp”.
TS Trần Văn Hâu đang hướng dẫn nhà vườn trồng dâu.
 
Thầy Hâu tìm hiểu và cho thí nghiệm chất Paclobutrazol (PBZ), là chất ức chế sinh trưởng, có tác dụng thúc đẩy sự ra hoa của cây trái, nhằm giúp xoài ra hoa trái vụ và hướng dẫn cách chăm sóc, kỹ thuật làm hạn chế rụng trái non… tại một số nhà vườn ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Vụ đầu tiên xử lý ra hoa nghịch mùa, ông nhận thấy, do ảnh hưởng thời tiết và do chưa có kinh nghiệm, nên hoa xoài rụng nhiều, chỉ còn một ít đậu trái, nhưng bù lại bán được giá cao. Các vụ sau theo ông lại phun tiếp, xoài đậu trái rất nhiều. Từ kết quả này, TS Hâu đã phổ biến ứng dụng cho xoái cát Hòa Lộc ra trái nghịch mùa cho các nhà vườn.
Ngoài trái cây nghịch mùa, gần đây, thầy Hâu còn mở rộng nghiên cứu theo hướng cải thiện chất lượng cây ăn trái như: Khắc phục hiện tượng sầu riêng sượng cơm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng bưởi Năm Roi giai đoạn trưởng thành; khắc phục hiện tượng khô đầu múi trên trái quýt Hồng; tăng năng suất, phẩm chất, kéo dài thời gian bảo quản dâu Hạ Châu...
Tại vườn xoài cát Hòa Lộc của ông Đoàn Thanh Hiền ở xã Mỹ Xương (Cao Lãnh), sau khi áp dụng canh tác kỹ thuật mới của TS Hâu, giờ đã trở thành địa chỉ nổi tiếng thu hút của thương lái. Mùa thuận, mùa nghịch, vườn nhà ông luôn cho năng suất cao, chất lượng trái tốt.
Vụ nghịch vào tháng 7 (âm lịch) năm 2009, vườn nhà ông có 540 cây cho thu hoạch bán được 7 tấn xoài rất được giá. Vườn xoài nhà ông hiện đang là mô hình nghiên cứu xử lý xoài cát Hòa Lộc ra hoa trái vụ và sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP) do PGS-TS Trần Văn Hâu làm chủ nhiệm.
Sau thành công với xoài cát Hòa Lộc, thầy Hâu và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu xử lý ra hoa trái vụ cho một số loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao và có nhu cầu lớn như sầu riêng, bưởi Năm Roi, bòn bon, măng cụt, chôm chôm, nhãn da bò...
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/39730p1c34/chuyen-giacho-trai-nghich-mua.htm


Tin khác