Vĩnh Long là một địa phương có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, với sản phẩm đa dạng như lúa gạo, trái cây, gia súc, gia cầm và thủy sản. Những sản phẩm này gần như có quanh năm. Tuy nhiên, để đột phá trong phát triển nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Long cần chọn ra cho mình sản phẩm chủ lực để có hướng đầu tư và tiêu thụ.
|
Bưởi Năm Roi, nhãn xuồng Long Hồ... là những đặc sản đặc trưng của tỉnh Vĩnh Long
|
Những thuận lợi và khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp
Trong những năm qua, nhờ thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi thủy sản trên một đơn vị diện tích của tỉnh Vĩnh Long năm 2010 đạt trên 92 triệu đồng/ha. Tăng gấp hai lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm nông nghiệp thủy sản bình quân giai đoạn 2006- 2010 là 5,2%/năm. Ở Vĩnh Long, sản xuất nông nghiệp đã phát triển theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi thủy sản, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như nuôi các tra thâm canh ở các xã ven sông Tiền, sông Hậu. Mô hình nuôi lợn, gà theo mô hình an toàn sinh học ở các huyện Mang Thít, Long Hồ. Mô hình luân canh khoai lang, rau màu trên ruộng lúa ở huyện Bình Tân…v.v… những mô hình này đã hình thành và đang phát triển rất hiệu quả. So với cách đây 5 năm thì cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản đã tăng trên 8%, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trên 3,9%. Mặc dù đạt được những kết quả như vậy, nhưng theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long thì tốc độ chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp của địa phương này còn chậm, thiếu tính bền vững. Nguyên nhân được cho là do thị trường tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, thuongf xảy ra tình trạng được mùa mất giá. Người nông dân còn đang phải rất thận trọng, tính toán trong quyết định đầu tư lớn trong sản xuất nông nghiệp. Một phần cơ cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là thủy lợi nội đồng trước đây chủ yếu phục vụ cho canh tác lúa, hiện nay chuyển sang trồng cây, nuôi thả các giống khác nên không phù hợp. Tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên khó áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng, nhất là cơ giới hóa nên chất lượng các mặt hàng nông sản thực phẩm còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Tình trạng dịch bệnh vẫn còn xảy ra trên các loại cây trồng vật nuôi gây tổn thất về kinh tế cho người nông dân, nhất là bệnh vàng lá trên cây có múi và bệnh cúm gia cầm, lợn tai xanh khiến cho người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào chăn nuôi với qui mô lớn. Cũng như nhiều các địa phương khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian tới đây, sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Long sẽ càng ngày càng bị thu hẹp về diện tích do tình hình phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Việc năng suất cây trồng, vật nuôi so với điều kiện địa phương đã đạt gần tới ngưỡng, vì vậy để phát triển nông nghiệp, tăng giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích, người nông dân ở Vĩnh Long đang phải lựa chọn cho mình những giống cây trồng, vật nuôi cần sử dụng ít đất, có giá trị kinh tế cao để phát triển và tiến hành cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.
Định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đến 2015
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân %%/năm của ngành nông nghiệp, đó là đẩy mạnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cây rau màu, xem đây là mũi nhọn đột phá của ngành, hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh với qui mô lớn, gắn chế biến, tiêu thụ với bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của nông sản. Đồng thời, nhanh chóng áp ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhất là áp dụng theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt(GAP). Mặc dù cây lúa giá trị thấp, nhưng Vĩnh Long vẫn coi đây là cây chủ lực, tỉnh sẽ giảm diện tích trồng lúa ở những nơi khó sản xuất, hiệu quả kinh tế thấp để chuyển sang loại cây trồng, vật nuôi phù hợp. Ngành nông nghiệp Vĩnh Long qui hoạch vùng lúa chất lượng cao với qui mô khoảng 30 nghìn ha, đồng thời tiếp tục chuyển giao các tiến bộ canh tác lúa bền vững như sử dụng giống lúa chất lượng cao, áp dụng phương pháp mới, qui trình VietGAP để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao giá trị lợi nhuận cho nông dân, phấn đấu đạt được sản lượng lúa cả năm 2015 là khoảng 800 nghìn tấn.
Tỉnh Vĩnh Long cũng sẽ mở rộng diện tích trồng rau màu trên đất ruộng sang một số vùng đất gò trồng lúa cho năng suất thấp như ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm. Chú trọng phát triển một số cây màu chủ lực có giá trị kinh tế cao như khoai lang, cải xà lách, đậu nành, vừng…phấn đấu năm 2015 tăng diện tích cây rau màu lên trên 46 nghìn ha, đạt sản lượng 850 nghìn tấn.Vĩnh Long cũng tập trung xây dựng và triển khai chương trình cải tạo và thâm canh vườn cây ăn trái, tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu đối với các loại cây chủ lực như bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm, măng cụt và tăng cường cải tạo các vườn tạp. Đối với mảng chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phát triển theo qui mô trang trại, kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để bảo vệ môi trường. Cơ cấu trong ngành chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Long chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng gia súc, gia cầm, đặc biệt là các loại gia cầm đẻ trứng. Riêng về thủy sản, trong 5 năm tới đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch tăng diện tích nuôi cá tra một cách hợp lý và sẽ mở rộng các loại khác như cá điêu hồng, tôm càng xanh, các loại cá đồng…đồng thời sẽ đa dạng hình thức nuôi như nuôi trong ao, trong mương vườn, ruộng lúa, trong bè với trình độ thâm canh và bán thâm canh. Vĩnh Long phấn đấu đến năm 2015, sản lượng thủy sản của toàn tỉnh đạt 230 nghìn tấn, tăng hơn 100 nghìn tấn so với năm 2010. Bên cạnh đó, nhanh chóng áp dụng qui trình Global GAP và thực hiện liên kết giữa người nuôi- nhà chế biến- nhà xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tăng hiệu quả kinh tế./…
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản