Ngành mía đường: Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn

20/04/2011

Cây mía và ngành làm mật, đường không lạ với nông dân nước ta, nhưng ngành công nghiệp đường Việt Nam thì chỉ mới thực sự hình thành nhờ chương trình 1 triệu tấn đường vào năm 2000 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu như sản lượng đường sau 10 năm vẫn “giậm chân tại chỗ” đã là điều đáng nói, thì chuyện đáng quan ngại hơn là diện tích và sản lượng mía vẫn đang trong quá trình tụt dốc, khiến các mục tiêu phấn đấu càng xa hơn. Vậy làm thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này?

Giậm chân tại chỗ và luẩn quẩn
Nếu như so với thời điểm năm 2000, đã hoàn thành chương trình 1 triệu tấn đường (với diện tích mía đạt trên 300.000 héc ta và sản lượng mía đạt trên 15 triệu tấn), thì mục tiêu phấn đấu năm 2010 là đạt 1,5 triệu tấn đường, nhưng giữ nguyên diện tích mía, còn sản lượng mía tăng lên 19,5 triệu tấn được Chính phủ khẳng định hồi đầu năm 2007 rõ ràng không hề quá sức của ngành nông - công nghiệp này.
Bởi lẽ, diện tích mía trước thời điểm kết thúc chương trình 1 triệu tấn đường đã đạt đỉnh 344.000 héc ta, còn năm 2006 cũng vẫn ở mức 288.000 héc ta và sản lượng mía vẫn là 16,7 triệu tấn, cho nên chỉ cần sản lượng mía tăng bình quân 3,9%/năm là đã có đủ mía nguyên liệu để đạt được mục tiêu 1,5 triệu tấn đường, do công suất của các nhà máy đường đã quá lớn.
Lối thoát duy nhất hợp tình hợp lý là các nhà máy đường phải cùng ghé vai với nông dân để nâng cao năng suất mía.
Thế nhưng, điều oái oăm là ở chỗ, trong khi sản lượng mía năm 2010 chỉ mới đạt xấp xỉ 16 triệu tấn, còn sản lượng đường niên vụ này được đánh giá là sẽ đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với dự báo và cũng chỉ tăng khoảng 150.000-200.000 tấn so với niên vụ trước, một quan chức cấp cao của ngành mía đường lại cảnh báo rằng, “Nhà nước thương người tiêu dùng thì hãy thương người trồng mía”.
Lý do để cảnh báo như vậy không ngoài việc giá đường bán buôn hiện đã sụt giảm hơn 1.000-1.500 đồng/ki lô gam so với trước Tết và đang đứng ở mức giá 18.500 đồng/ki lô gam nhưng khó tiêu thụ, do sức ép của đường nhập khẩu, các nhà máy đường sẽ không có vốn để trả tiền mía nguyên liệu cho nông dân.
Đi xa hơn nữa, quan chức này còn cho rằng “chính giá đường chưa bình ổn nên mấy năm qua ngành đường không phát triển được, do giá cả bấp bênh nên nông dân chưa mặn mà với cây mía”. Trong khi đó, cũng theo ông này, giá đường tăng thêm 2.000 đồng/ki lô gam thì người tiêu dùng chỉ tốn thêm 20.000 đồng/năm. Còn nếu giá đường giảm 2.000 đồng/ki lô gam thì sẽ kéo theo giá mía nguyên liệu giảm 200 đồng/ki lô gam, người trồng mía mất đi nguồn thu nhập rất lớn và sự “giậm chân tại chỗ” của ngành mía đường “không phải lỗi của các công ty, của nông dân mà là do từ lâu nay chính sách đầu tư để phát triển ngành đường chưa thật sự xứng tầm”.
Trong khi đó, trái với “thông lệ” bình ổn trong biên độ 9.500-11.300 đồng/ki lô gam trong nhiều năm trước đó, giá bán lẻ đường trong tám tháng giữa năm 2009 đã tăng bình quân 900-1.200 đồng/ki lô gam và đạt 15.500-16.000 đồng/ki lô gam vào tháng 10. Nhìn từ một góc độ khác, theo một chuyên gia ngành đường quốc tế, giá đường của Việt Nam vẫn thường xuyên cao hơn giá thế giới 100 đô la Mỹ/tấn, thậm chí có thời điểm đầu năm nay còn cao hơn đến 200 đô la Mỹ/tấn.
Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn
Có thể thấy rằng, lối thoát duy nhất mà quan chức này “tư vấn” là: “để nuôi nông dân trồng mía thì giá đường trong nước phải cao hơn giá đường thế giới; muốn bảo vệ người trồng mía phải bảo vệ giá đường là giải pháp tốt nhất; để phát triển ngành mía đường Chính phủ phải sớm có chính sách bảo hộ cho người trồng mía, có chính sách tốt cho các đơn vị tham gia sản xuất và chế biến mặt hàng nông nghiệp này”. Lập luận này không ổn và cũng rất thiếu công bằng.
 
Không ổn bởi chẳng lẽ người tiêu dùng còn phải chịu ăn đường với giá đắt thêm một thập kỷ nữa? Không công bằng bởi “trăm dâu đổ đầu... Nhà nước” như vậy, còn các nhà máy đường chẳng lẽ không chỉ đứng ngoài “cuộc chơi”, mà còn hưởng lợi “kép” khi giá đường sốt nóng suốt từ giữa năm 2009 đến nay? Bởi lẽ, ngoài việc “đút túi” những khoản lời chắc chắn không nhỏ do cơn sốt nóng giá đường đó, không ít các nhà máy đường còn bị cho là đã ép giá mía của nông dân.
Không những vậy, nếu cứ tiếp tục “bóc ngắn cắn dài” như vậy, bản thân ngành công nghiệp đường cũng đứng trước một hiểm họa khác đã lộ rất rõ. Đó là việc nông dân chắc chắn sẽ tiếp tục bỏ cây mía để chuyển sang một số loại nông sản khác không chỉ được giá hơn rất nhiều, mà triển vọng cũng rất sáng sủa.
 
Do vậy, lối thoát duy nhất hợp tình hợp lý là các nhà máy đường phải cùng ghé vai với nông dân để nâng cao năng suất mía. Xét trên phương diện này, quả thực Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng. Đó là, cho dù năng suất mía của nước ta trong 10 năm qua đã tăng được 1 tấn/năm (năm 2000 đạt 49,8 tấn/héc ta và năm 2010 ước đạt 59,9 tấn/héc ta), nhưng khoảng cách so với năng suất mía bình quân 71-72 tấn/héc ta của thế giới vẫn còn rất lớn, còn so với mức trung bình khá trên 80 tấn/héc ta của “người khổng lồ” Brazil chiếm tới 36,2% diện tích và 41% sản lượng mía của thế giới thì quá “mênh mông”. Đó là chưa so sánh với 10 quốc gia có năng suất mía từ 100 tấn/héc ta đến “đỉnh” 132 tấn/héc ta.
Rõ ràng, nếu chỉ đạt năng suất bình quân của thế giới, để vượt qua ngưỡng 20 triệu tấn mía/năm, diện tích mía của nước ta có thể “co lại” chỉ còn 250.000 héc ta, khiến thu nhập của người nông dân vẫn tăng mạnh, trong khi các nhà máy đường sẽ được hưởng lợi kép: nguồn nguyên liệu ổn định và giá mía nguyên liệu của vẫn có thể giảm xuống. Đó chính là lối thoát duy nhất nhằm thoát khỏi tình trạng giá đường trong nước cao ngất ngưởng so với giá thế giới, trong khi cả người nông dân lẫn người tiêu dùng đường chịu thiệt, còn các nhà máy đường cũng không ít phen lao đao như hiện nay.
Chắc chắn, nếu để nông dân “tự bơi”, hoặc có được Nhà nước hỗ trợ, nhưng các nhà máy đường chỉ là “người ngoài cuộc”, mà thậm chí còn là người đắc lợi, thì chúng ta chẳng những không đạt được mục tiêu phát triển ngành đường, mà không ít các nhà máy đường cũng sẽ “cáo chung”.
AGROINFO – Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin khác