WB hỗ trợ vốn lập vùng chuyên canh cây ăn trái

20/04/2011

Nếu doanh nghiệp có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn thì sẽ được Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ không hoàn lại 20.000 đô la Mỹ; và đối với nông dân thì sẽ được tài trợ 40% trong tổng vốn vay của ngân hàng này, theo Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online qua điện thoại vào cuối tuần, ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nói rằng do Việt Nam chưa có vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nên Ngân hàng thế giới mới có chính sách nói trên.
“Hiện chúng tôi đang thông tin cho 6 tỉnh ĐBSCL để những tỉnh này xây dựng kế hoạch kinh doanh và sớm trình Ngân hàng thế giới phê duyệt. Những loại cây trồng nằm trong chương trình là thanh long, xoài, nhãn, vú sữa, măng cụt, dứa ( thơm), sầu riêng…”, ông Châu cho biết qua điện thoại.
Ông Châu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần sớm thành lập văn phòng hướng dẫn phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái. Văn phòng này do Cục trồng trọt quản lý và điều hành hoạt động, chịu trách nhiệm về mức độ thành công của các vùng chuyên canh cây ăn trái nói trên.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam thì gần 50% nhà máy chế biến hoa, quả luôn ở trong tình trạng thiếu nguyên liệu vì vậy nếu xây dựng đươc vùng chuyên canh cây ăn trái sẽ giải quyết được vấn đề này
Cùng ý kiến đó, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, hiện diện tích trồng cây ăn trái tại ĐBSCL thường nhỏ lẻ, manh mún nhưng lại được người dân trồng nhiều loại cây ăn trái trên cùng một mảnh vườn. Điều này Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nào cũng biết nhưng không giải quyết được vấn đề cốt lõi của nó.
“Để ĐBSCL có được các vùng chuyên canh cây ăn trái đúng nghĩa thì phải có một nhạc trưởng và Văn phòng chuyên trách nói trên là điều kiện cần có để dự án này thành công”, ông Xuân cho hay.
Theo tính toán ban đầu của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nguồn vốn để thực hiện vùng chuyên canh cây ăn trái với diện tích từ vài chục đến vài trăm héc ta tại các tỉnh ĐBSCL là 64 tỉ đồng, trong đó, 40% là từ Ngân hàng thế giới, số tiền còn lại thì nhà nước cần hỗ trợ để nông dân chuyển đổi và cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh.
AGROINFO – Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/dautu/51581/WB-ho-tro-von-lap-vung-chuyen-canh-cay-an-trai.html


Tin khác