Cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn

20/04/2011

Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã được ban hành gần 2 tháng. Cắt giảm đầu tư công không có nghĩa là cắt giảm đầu tư phát triển. Có thể thấy, hơn bao giờ hết, điều quan trọng hiện nay là Việt Nam làm thế nào để huy động và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Đầu tư phát triển đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu tổng quát về kinh tế, xã hội và môi trường thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện bình đẳng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước là kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Lực lượng doanh nghiệp nhà nước sẽ là lực lượng chủ công, giúp kinh tế nhà nước làm tốt vai trò trong nền kinh tế thị trường. Thực tế thời gian qua cho thấy, kinh tế nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Cắt giảm đầu tư công, cũng đồng nghĩa với việc cần tìm thêm nguồn vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là một biện pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất hàng hoá xã hội chủ nghĩa phát triển. Thực tiễn cho thấy, nguồn đầu tư từ Nhà nước chưa thể làm chuyển đổi nhanh chóng cơ cấu sản xuất để ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Do đó, làm sao tạo được nguồn vốn đủ là việc làm cần thiết và cấp bách.
Một tồn đọng rất lớn đã được biết đến từ lâu, nhưng vẫn chưa được cải thiện về căn bản, đó là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là hiệu quả vốn đầu tư của khu vực nhà nước chưa cao. Hiện, vốn đầu tư nhà nước vẫn còn cao, chiếm gần một nửa tổng đầu tư toàn xã hội, đã có xu hướng giảm dần kể từ năm 2002, chẳng hạn, thời kỳ 2006-2008 vốn đầu tư nhà nước chiếm khoảng 41-46%, và đã giảm xuống còn 33%. Tuy vậy, những ưu tiên trong đầu tư nhà nước được dành cho kết cấu hạ tầng cứng và mềm như: vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc, điện, khí đốt, giáo dục đào tạo,… nhưng đây là những ngành mà đầu tư nhà nước đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ các nguồn khác, do vậy, tỷ trọng đầu tư cao cần được coi là điều cần thiết.
Mặt khác, việc phân bổ các nguồn lực giữa các khu vực kinh tế chưa hợp lý trong những năm qua đang khiến nền kinh tế mất cân đối. Điều này được thể hiện rõ khi khu vực kinh tế nhà nước đóng góp 34% GDP, chiếm hơn 33% tổng vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ sử dụng 9% số lượng lao động. Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước đóng góp 47% GDP, 32% tổng vốn đầu tư xã hội lại sử dụng tới 87% lao động xã hội.
Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: “đầu tư vẫn dàn trải. Hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư còn thấp, còn thất thoát, lãng phí, nhất là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước”. Có thể thấy, tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, sử dụng vốn kém hiệu quả, chậm tiến độ thi công hoặc nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư vào những ngành không thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của các doanh nghiệp nhà nước đã làm cho hiệu quả đầu tư nhà nước chưa cao và vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Để tạo ra cùng một năng lực sản xuất, Nhà nước phải bỏ ra nhiều kinh phí hơn và nhập khẩu nhiều đầu vào cho đầu tư hơn. Đó là lãng phí lớn không đáng có. Hiệu quả thấp trong đầu tư công đã được xác định là một trong những lý do chủ yếu dẫn tới lạm phát cao trong những năm gần đây.
Rõ ràng là với vai trò quan trọng của vốn đầu tư và chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhưng thực tế vốn và hiệu quả sử dụng vốn chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển. Vậy câu hỏi đặt ra là nguyên nhân do đâu? nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá hiện nay.
Cũng đã có không ít các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước chuyển hướng sang các ngành nghề khác với ngành nghề kinh doanh chính, như bất động sản, đầu tư tài chính, thành lập các ngân hàng mới,… Đầu tư vào bất động sản dường như có lãi cao chừng nào “bong bóng” giá tài sản còn tiếp tục phồng nên, nhưng lợi nhuận thực tế sẽ không còn khi “bong bóng” vỡ. Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước lớn đầu tư vào tài chính đang là nguy cơ đe doạ sự ổn định kinh tế. Trước thực trạng này, Văn kiện Đại hội XI cuả Đảng cũng đã chỉ ra rằng “một số tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, gây bức xúc trong xã hội”. Thực tế cho thấy, hệ số ICOR ngày càng tăng (đang ở mức 8, một mức quá cao so với các quốc gia khác đang trong giai đoạn phát triển), đã thể hiện hiệu quả sử dụng vốn đang ngày càng giảm.
Việt Nam đã đạt được tiến bộ quan trọng trong việc thành lập các thị trường vốn vận hành tốt cũng như cơ sở hạ tầng để đảm bảo công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa thành công hoàn toàn. Tỷ lệ đầu tư đạt mức cao, nhưng tiết kiệm trong nước vẫn chưa được huy động một cách có hiệu quả. Nhiều quy định đầu tư chưa được thực hiện đúng ngành và hoạt động cần thiết… Trong bối cảnh như vậy, có một hệ thống huy động và sử dụng vốn có hiệu quả là điều đặc biệt quan trọng.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, có tầm dài hạn, có đầy đủ các căn cứ kinh tế, xã hội, môi trường. Đẩy mạnh quy hoạch theo hướng tăng cường sự gắn kết quy hoạch giữa các ngành, các vùng. Việc phân cấp quản lý đầu tư cần gắn chặt với: năng lực của cơ quan được phân cấp đầu tư phải đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ được giao; quyền được phân cấp phải gắn liền với tinh thần chịu trách nhiệm về quy định đã ra; phải có các chế tài kiểm tra, giám sát thường xuyên.  Nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, các cơ chế chính sách đã được ban hành về công tác quản lý đầu tư và xây dựng. Nâng cao năng lực của Kiểm toán nhà nước; phòng ngừa các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nằm ngoài lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính. Đặc biệt, trong dài hạn, cần thực hiện phân phối hài hoà lợi ích giữa các chủ thể đầu tư với nhà nước, tăng cường nâng cao hiệu quả công tác chống tham nhũng...
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=455700


Tin khác