Điều kiện nào bảo hiểm vật nuôi?

19/04/2011

Ba năm 1987-1988-1989 chúng tôi đã bảo hiểm đàn trâu bò của HTX nông nghiệp toàn xã Đình Bảng – Từ Sơn – Bắc Ninh hơn 400 con với Bảo Việt Hà Nội.

Lúc đó trâu bò là tài sản của HTX nên chỉ cần chủ nhiệm HTX đồng ý là thực hiện được, không phải bàn nhiều. Lúc đó giá một con trâu khoảng 400.000đ đóng phí bảo hiểm một năm bằng 10% giá trị con vật. Nếu vật chết do nhiễm bệnh bất khả kháng như viêm bao tim do ngoại vật (ăn phải sắn)…, Bảo Việt bồi thường bằng 100% giá trị con trâu.
Nếu trâu còn thịt được Bảo Việt bồi thường ¾ giá trị và xác con trâu. Nếu ở những bệnh không ăn được như nhiệt thán Bảo Việt bồi thường 100% giá trị còn những con chết do thú y bất cẩn như thiến hoạn bị nhiễm uốn ván Bảo Việt không bồi thường. Số phí thu được trạm thú y được sử dụng 2/3 để mua vacxin và thuốc chữa bệnh, còn Bảo Việt giữ lại 1/3 để bồi thường. Trong 3 năm số thu và chi thường ngang nhau. Nếu không xảy ra dịch bệnh trạm thú y được thưởng xứng đáng.
Lúc đó HTX thành lập 1 trạm thú y có 3 nhân viên thường trực. Khi không có dịch trực 1 người ban ngày con nào có bệnh cứ mang đến chữa. Khi có dịch trực 24/24h. Lúc bấy giờ thuốc thú y rất hiếm, kháng sinh phải lấy từ thuốc nhân y hết hạn, phải dùng nồi cất rượu cất nước mưa 2 lần để pha thuốc tiêm hoặc pha dung dịch muối 9/1000 để truyền cho những con ỉa chảy, đường gluco cũng rất hiếm có khi bí quá phải thủy phân đường Saccaro thành đường gluco + flucto để truyền cho những con yếu quá.
Trạm thú y được trang bị khá tốt, có kính hiển vi chủ yếu để soi trứng sán lá gan và xem tươi tiêm mao trùng, có giá bằng sắt để cố định trâu bò, trên có mái che để mưa nắng đều làm việc được. Lúc bấy giờ hàng năm phải bổ sung trâu từ miền núi về, trâu phải làm quá sức nên thường bị bệnh tiêm mao trùng còn gọi là ngã nước, mùa rét thường bị bệnh cước chân. Hàng năm trạm thú y nhận sinh viên Khoa Chăn nuôi thú y ở Trường ĐH Nông nghiệp 1 về thực tập còn liên hệ với Viện Chăn nuôi để mua thuốc và liên hệ với Viện Thú y để giúp xét nghiệm.
Bây giờ bảo hiểm vật nuôi khó khăn lại ở chỗ trâu bò là của riêng nên phải có sự đồng thuận của dân mới được, muốn bảo hiểm có kết quả, toàn bộ trâu bò trong địa bàn thôn xã phải tham gia hết muốn vậy chính quyền phải vào cuộc. Ở những địa bàn thường xuyên xảy ra dịch, có thể cấp trên (Bộ NN-PTNT) phải làm điểm rồi mới nhân rộng ra được. Nếu trên toàn địa bàn gia súc tham gia bảo hiểm cả thì chắc chắn chỉ vài năm là dịch sẽ chấm dứt.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
 

Tin khác