Siêu thị chưa có nguồn cung rau ổn định

19/04/2011

Đó là nhận định của ông Trần Lâm Sinh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục BVTV Đồng Nai ngay sau khi NNVN đăng bài “Rau quả ở Metro, Co-op Mart cũng thiếu an toàn”.

Quản lý chất lượng rau siêu thị còn khó
Theo ông Trần Lâm Sinh: “Hiện nay siêu thị Metro và Co-op Mart đang ký hợp đồng trực tiếp với các cá nhân, HTX trong việc cung ứng rau. Được biết, trên địa bàn Đồng Nai, các siêu thị ký hợp đồng lấy khoảng 10-20% sản lượng rau sản xuất tại các địa phương được xem là có uy tín đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, có một thực tế nhiều chủ thể ký hợp đồng với siêu thị không đủ cung cấp rau nên lấy ở một số “mối” quen khác bên ngoài để cung ứng cho đủ số lượng đã đăng ký dẫn đến chất lượng khó đảm bảo”.
Ông Sinh cho biết: “Về mặt hàng rau quả cung cấp cho Metro, Chi cục không nắm rõ, nhưng ở Siêu thị Co-op Mart thì có kho lạnh trung chuyển ở KCN Sóng Thần và có bộ phận kiểm tra để truy xuất được nguồn gốc và có lưu mẫu. Tuy nhiên, siêu thị chỉ có thể kiểm tra nhanh rau quả qua việc test dư lượng thuốc BVTV nhưng về tỷ lệ vi sinh vật và nhóm lân hữu cơ nitrat, carbamate thì chưa làm được”.
 Lý giải về việc rau siêu thị Metro và Co-op Mart bị nhiễm vi sinh vượt ngưỡng cho phép cả ngàn lần, ông Sinh nhận định: “Về ô nhiễm nitrat hoàn toàn có thể người sản xuất gây ra; còn việc nhiễm vi sinh có thể do vùng sản xuất bị ô nhiễm, hoặc công tác sơ chế không đảm bảo, cũng như quá trình vận chuyển tiếp xúc, đóng gói tại kho trung chuyển không đảm bảo. Metro thì tôi không rõ lắm, nhưng siêu thị Co-op Mart thì nguồn cung cấp rau an toàn còn chưa ổn định".
Sau khi NNVN đăng tải vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc Co-op Mart Biên Hoà đã có công văn gửi Sở Công thương, Sở NN-PTNT Đồng Nai đề nghị hỗ trợ việc cung cấp danh sách những cơ sở sản xuất rau an toàn, sạch để ký hợp đồng.
Tỷ lệ sản xuất rau an toàn thấp!
Theo thống kê, Đồng Nai có 4.500 ha đất trồng rau ăn lá và ăn trái, tuy nhiên nhận định về tình hình sản xuất rau an toàn hiện nay trên địa bàn, ông Sinh cho biết: “Tỷ lệ rau an toàn còn chưa cao, hàng năm trên cơ sở kiểm tra khoảng 300 mẫu cho thấy có từ 6-12% mẫu vượt ngưỡng cho phép carbamate và lân hữu cơ. Năm 2010, lấy 479 mẫu thì tỷ lệ mẫu vượt quá quy định cho phép là 7,25% (36 mẫu vượt mức cho phép). Điều đáng lưu ý, hầu hết diện tích canh tác trồng rau của Đồng Nai còn nhỏ lẻ, manh mún chủ yếu với diện tích từ 0,1-0,5 ha nên việc kiểm soát trong lĩnh vực thực hiện rau sạch là rất khó khăn. Một số địa phương như TP. Biên Hoà, huyện Thống Nhất, Xuân Lộc đã có khả năng tập trung vùng chuyên canh với diện tích 5-15 ha nhưng chưa được nhiều và chủ yếu trồng rau ăn lá”.
Ông Trần Lâm Sinh: Việc đánh giá chất lượng rau hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do chi phí tốn kém. Nếu dùng phương pháp TestKit chi phí cũng 100ngàn/mẫu nhưng lại không thể đánh giá được nhiều chỉ số khác như vi sinh nhóm lân hữu cơ nitrat, carbamate... Còn nếu dùng phương pháp gửi mẫu đi phân tích tại Quatest 3 thì tốn tới 600 ngàn/mẫu nên điều này khó mà siêu thị thực hiện (vì tốn kém), do đó việc quản lý sát sao chất lượng rau quả siêu thị đang rất khó khăn.
Được biết, để người dân tập trung sản xuất rau sạch, an toàn, từ năm 1998 Chi cục BVTV Đồng Nai đã phối hợp với đơn vị có trách nhiệm thực hiện phổ biến chương trình IPM đối với các hộ dân, HTX… trồng rau về quy trình sản xuất rau sạch. Từ năm 2008 đến nay Chi cục đã ký liên kết với các tỉnh xung quanh địa bàn TP.HCM nhằm phổ biến quy trình sản xuất rau sạch và thực hiện mô hình VietGAP và đến nay đã cấp chứng nhận cho một HTX ở phường Trảng Dài (Biên Hoà) đồng thời triển khai nhiều mô hình VietGAP cho các địa phương, đặc biệt tập trung ở các vùng chuyên canh rau. Điều này giúp người dân nhận thức việc cần thiết sản xuất rau sạch.
Hiện tại, chi cục cũng đã thực hiện dự án “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm” do Chính phủ Canada phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện chủ yếu trên rau ăn trái, thịt gà, heo. Riêng tại Đồng Nai, tỉnh cũng đang chỉ đạo thực hiện đề án sản xuất rau quả an toàn giai đoạn 2011-2015 và đang tiến hành triển khai ở 10 vùng trọng điểm… Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ cho các HTX, các loại hình kinh tế tập thể về kỹ thuật, vốn, kinh phí để làm rau VietGAP và cấp chứng nhận. Từ đó, sẽ giới thiệu các sản phẩm có chất lượng cao cho siêu thị và các “chợ đầu mối” rau quả lớn trong toàn tỉnh.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
 

Tin khác