Xuất khẩu hoa: Cần một chương trình quốc gia

19/04/2011

Làm thế nào để xuất khẩu hoa trở thành ngành hàng chủ lực, tương xứng với tiềm năng? Xung quanh vấn đề này, KTNT có cuộc trao đổi với GS. Nguyễn Quốc Vọng (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội).

Ông Vọng cho biết:
Ơ Việt Nam, hoa mới được sản xuất trên một diện tích nhỏ, khoảng 8.000ha (năm 2010) so với 4,1 triệu hecta lúa, gần 1 triệu hecta cây công nghiệp và 1,4 triệu hecta rau quả. Hoa sản xuất ở Việt Nam chủ yếu tập trung ở 3 vùng: miền Bắc (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Ninh), ngoại thành TP. Hồ Chí Minh (Hóc Môn, Củ Chi) và Lâm Đồng (Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương), sản lượng khoảng 4,5 tỷ cành hoa tươi, trong đó xuất khẩu khoảng 1 tỷ cành, với 85% là hoa hồng, cúc và lan. Năm 2010, doanh thu từ xuất khẩu hoa đạt khoảng 60 triệu USD.
GS. Nguyễn Quốc Vọng thăm mô hình trồng hoa trong nhà kính tại Mộc Châu (Sơn La).
 
Tuy xuất khẩu hoa đã có bước phát triển, nhưng diện tích còn quá nhỏ, số lượng và chủng loại ít, chất lượng lại chưa cao nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong nước. Trong khi nhu cầu về hoa trên thế giới đang tăng rất nhanh, chỉ tính riêng thị trường châu Á, tổng kim ngạch nhập khẩu hoa đã lên đến 102 tỷ USD/năm với mức tăng trưởng 6%/năm, cao gấp nhiều lần so với thị trường các loại nông sản khác vốn được Việt Nam xem trọng như gạo, càphê, cao su, chè...
Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam hiện gặp khó khăn gì khi xuất khẩu hoa?
Chúng ta có thuận lợi là rất gần các thị trường nhập khẩu hoa lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, trong đó Nhật Bản là thị trường hoa lớn nhất châu Á, kim ngạch nhập khẩu hoa của nước này tăng trưởng 5-7%/năm. Hiện, Nhật Bản chủ yếu nhập hoa loa kèn, tuy - líp từ Hà Lan, cúc từ Trung Quốc, Proteas và Wax flower từ Australia, New Zealand và phong lan từ Thái Lan, Singapore.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngành hoa Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn và đang bộc lộ những “lỗ hổng” lớn, như giống không được đa dạng, diện tích sản xuất manh mún, công nghệ thô sơ, khâu bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng, nhất là việc đóng gói, vận chuyển, đảm bảo an toàn vệ sinh và đáp ứng số lượng lớn. Đặc biệt, tay nghề của thành phần sản xuất chủ lực - nông dân - vẫn theo lề lối cũ, dẫn đến ngành hoa của Việt Nam luôn bấp bênh.
Để đáp ứng được tiêu chuẩn về xuất khẩu, xin ông cho biết, nhà vườn trồng hoa và doanh nghiệp cần phải làm gì?
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành hoa và các doanh nghiệp Việt Nam phải biết rằng, đang đối đầu với 4 luật chơi cực kỳ khó khăn.
Thứ nhất, luật chơi về số lượng. Lượng hàng hoá lưu hành trong thị trường hoa thế giới ngày nay mang ý nghĩa vừa lớn về số (một đơn đặt hàng là vài trăm ngàn hoặc vài triệu cành hoa), vừa đồng bộ (giống, kích cỡ, màu sắc và đúng thời gian quy định trong hợp đồng).
Thứ hai, luật chơi về chất lượng. Quan điểm về chất lượng của hoa khác với cây lương thực, tức phải đẹp toàn diện. Muốn vậy, hoa phải được sản xuất trong nhà có mái che với hệ thống canh tác có bảo vệ, một dây chuyền sản xuất kín để hoa được xử lý, đóng gói, vận chuyển trong điều kiện tốt nhất, nhanh nhất. Đấy là lý do tại sao ở Việt Nam, chỉ có những công ty như Dalat Hasfarm với trang thiết bị và sản xuất công nghệ cao mới có thể xuất khẩu.
Thứ ba, luật chơi về an toàn vệ sinh. Hoa cũng phải sản xuất theo quy trình GAP (sản xuất nông nghiệp tốt) để bảo đảm tính an toàn, vệ sinh cho sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.
Thứ thư, luật chơi về giá cả. Giá rẻ là một yếu tố quyết định cho sự cạnh tranh trong thị trường thế giới. Sản xuất manh mún, hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu công nghệ sau thu hoạch, giá vận chuyển cao... sẽ đội giá thành lên cao, làm mất thế cạnh tranh của hoa Việt Nam.
Với tư cách là nhà khoa học, theo ông, tầm quan trọng của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng hoa là gì? 
Trong lĩnh vực trồng hoa, cần ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến như công nghệ sinh học, nhà kính, thủy canh và bán thủy canh, công nghệ thông tin, công nghệ sử dụng hiệu quả nước để thỏa mãn 4 luật chơi của nền kinh tế thị trường nói trên.
Nên nhớ rằng, tình hình sản xuất và xuất khẩu hoa trên thế giới ngày nay đã có nhiều chuyển biến. Những nước sản xuất hoa nổi tiếng như Pháp, Hà Lan nay đã trở thành những nước nhập khẩu và cũng là thị trường tiêu thụ. Thay vào đó, những nước đang phát triển lại trở thành những nước sản xuất và xuất khẩu hoa. Có thể nói, Nam Phi, Kenya và Zimbabwe ở châu Phi là những đại gia xuất khẩu hoa sang châu Âu, trong khi Colombia là nước chủ chốt xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ở châu Á, Malaysia, Thái Lan và gần đây thêm Trung Quốc, là những nước xuất khẩu hoa nhiều sang Nhật Bản.
 
Để xúc tiến ngành sản xuất và xuất khẩu hoa, Kenya đã thiết lập chương trình mục tiêu quốc gia về hoa, trong đó tất cả các bộ, ban ngành đều phải cùng nhau đầu tư nhân sự và vật lực cho ngành này. Kiểu đầu tư đồng bộ và quyết liệt đã giúp hoa Kenya phát triển rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường hoa châu Âu, đem về 700 triệu USD/năm, nuôi sống 30.000 lao động. Ở châu Mỹ, Colombia cũng làm như vậy đối với thị trường Hoa Kỳ. Ngày nay, Colombia chiếm 59% thị trường nhập khẩu hoa của Hoa Kỳ, kim ngạch bình quân đạt 1 tỷ USD/năm, nuôi sống 99.000 lao động. Gần đây, Ecuador trở thành nước xuất khẩu hoa hồng nổi tiếng ở Trung Mỹ vì hoa có chất lượng cao, kích cỡ lớn (được trồng ở cao nguyên).
Việt Nam có đủ yếu tố như các nước Kenya, Colombia hoặc Ecuador để trở thành cường quốc xuất khẩu hoa. Những phong trào, festival hoa hoặc dự án phát triển... là những bước đi tốt nhưng vẫn chưa đủ để ngành hoa vừa phát triển, vừa cạnh tranh với thế giới. Chúng ta cần một chương trình mục tiêu quốc gia về hoa. Đây là chương trình của cả nước, do Hội đồng hoa Việt Nam (Vietnam Flower Council) quản lý, qua đó tập trung đầu tư phát triển đồng bộ và quyết liệt để đem đến hiệu quả cao nhất.
Trước mắt, để nâng cao giá trị xuất khẩu hoa ở Việt Nam, chúng ta cần có giải pháp gì, thưa ông?
Để nắm bắt cơ hội, đã đến lúc ngành hoa Việt Nam cần triển khai những điểm cơ bản sau:
Trước hết, phải có một địa chỉ để làm nơi thu nhập, thử nghiệm triển khai giống mới và công nghệ mới. Việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các giống hoa và công nghệ cao phục vụ cho thị trường trong nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu là một khởi đầu hết sức quan trọng. Thêm nữa, một trung tâm xuất sắc về hoa - cây cảnh (như Đà Lạt - Lâm Đồng) sẽ là cơ quan mũi nhọn mang tính đột phá, giải quyết được 4 thách thức về chất lượng, số lượng, giá cả và an toàn vệ sinh. Trung tâm nghiên cứu Hoa và Khoai tây Đà Lạt, Trường Đại học Đà Lạt phải được tiếp sức để trở thành trung tâm xuất sắc về hoa, cây cảnh cho Lâm Đồng và cho cả nước.
Vấn đề chọn thị trường xuất khẩu cũng rất quan trọng. Hiện, Nhật Bản là thị trường hoa lớn nhất châu Á. Với 35-40% diện tích trồng hoa hồng và 30% diện tích trồng hoa cúc, Việt Nam đang có cơ cấu hoa phù hợp với thị hiếu nhập khẩu hoa của Nhật Bản. Tiếp đến, phải đa dạng hoá bộ giống hoa. Muốn cây giống, củ giống có chất lượng cao, sạch bệnh... thì cần phải có quy trình công nghệ cao. Ngoài ra, cần xây dựng thương hiệu hoa Việt Nam, tổ chức hoặc tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ về hoa cây cảnh trong nước và quốc tế, quảng bá thương hiệu hoa Việt Nam; thành lập Hiệp hội Hoa Việt Nam. Nhờ Hội đồng hoa (Flower Council) mà hoa của Kenya và Colombia đã “bay” khắp thế giới, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn chuyên viên, các nhà sản xuất và nông dân. Cuối cùng, chợ đấu giá hoa - cây cảnh Đà Lạt cần được thiết lập.
Tất cả những điểm nêu trên chỉ là mặt hành động trong chương trình mục tiêu quốc gia mà Việt Nam phải tổ chức để huy động toàn bộ nhân sự và vật lực để phát triển ngành hoa. Chương trình mục tiêu quốc gia về hoa sẽ giúp hoa Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu lớn.
Xin cảm ơn ông!

AGROINFO - Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/4/27927.html


Tin khác