Nuôi thuỷ sản vụ xuân: Tổn thất lớn vì giống kém chất lượng

19/04/2011

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh diễn ra liên miên khiến nhiều đầm tôm, ao nuôi cá trên cả nước bị thiệt hại nặng, nông dân mất hàng tỷ đồng. Trong đó, chất lượng con giống kém là một trong những nguyên nhân làm tôm, cá chết.

Mất hàng chục tỷ đồng
 
Theo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, tính đến đầu tháng 4.2011, tôm chết đầu vụ đã diễn ra ở nhiều tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang...
Tỉnh Trà Vinh có hơn 1.800ha nuôi tôm sú của 1.700 hộ các huyện Duyên Hải, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú bị chết ở giai đoạn 30 - 45 ngày tuổi do bệnh đỏ thân, đầu vàng... Nếu tính bình quân, giá tôm giống khoảng 60 đồng/con (hiện đã lên đến 100 đồng/con), với số lượng 85 triệu con giống bị chết thì con số thiệt hại đã là 5,1 tỷ đồng.
Tiêm thuốc kích thích cho cá tra giống.
 
Ông Lê Văn Mỹ ở huyện Cầu Ngang than thở: “Từ đầu vụ 2011 đến nay, mới 2 tháng mà tôi đã 3 lần thả giống. Chỉ tính tiền con giống, cải tạo ao nuôi đã hơn 30 triệu đồng. Thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh khiến tôm chết đến 80% diện tích toàn ấp. Chúng tôi lo lắng quá, không khéo vỡ nợ như chơi”.
Tại tỉnh Sóc Trăng, theo ông Võ Văn Bé - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh này, cũng có gần 2.000ha bị thiệt hại, nhiều ao tôm mới thả có 7 - 15 ngày tuổi, tôm đã lăn ra chết và xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tỉnh Bạc Liêu cũng có trên 1.090ha tôm nuôi bị chết, trong đó có gần 110ha diện tích tôm nuôi thiệt hại lên trên 50%. Còn tại Phú Yên, ở xã An Chấn, huyện Tuy An, trong vụ nuôi đầu năm, đã có hơn 40.000 con tôm hùm ương nuôi của 60 hộ dân bị chết, gây thiệt hại hơn 7,2 tỷ đồng…
Riêng đối với cá tra, theo ông Lê Viễn Chí - Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), chất lượng giống cá tra thời gian gần đây có dấu hiệu suy thoái, do chất lượng đàn cá bố mẹ không bảo đảm, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm. Nhiều vấn đề về cận huyết, sắc tố da (da trắng, da hồng), tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống thấp (dưới 12%)... đã làm đàn cá chậm lớn, giảm sức đề kháng, dễ nhiễm một số loại bệnh phổ biến và nguy hiểm như trắng mang, trắng gan, xuất huyết...
Mới đây, Trường Đại học Cần Thơ vừa công bố một nghiên cứu về con giống cho thấy, tỷ lệ cá tra nhiễm bệnh ở một số vùng nuôi lên đến gần 100%.
Thả nổi chất lượng con giống đến bao giờ?
Bộ sẽ sớm ban hành tiêu chí cho vùng nuôi tôm sú trong năm nay, phấn đấu 50% diện tích nuôi tôm được đánh số, thực hiện truy xuất nguồn gốc; tăng cường chuyển giao kỹ thuật nhân giống để các địa phương chủ động nguồn giống.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT
Theo Chi cục Thú y Kiên Giang, kết quả thanh tra tháng 3 vừa qua, trong 167 mẫu tôm giống mà đoàn thanh tra lấy mẫu xét nghiệm thì có hơn 50% bị nhiễm bệnh còi. Tỉnh cũng đã phải tiêu huỷ 2 lô tôm giống nhập về từ Bình Thuận, với số lượng 600.000 con, và khuyến cáo bà con không thả nuôi các lô hàng có nguồn gốc từ Bạc Liêu vì phát hiện tôm bị bệnh đốm trắng.
Theo thống kê từ Bộ NNPTNT, hiện cơ sở sản xuất con giống thủy sản tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và Nam Trung Bộ với gần 2.800 trại giống, nhưng có rất ít cơ sở đạt chất lượng.
Điển hình tại Cà Mau, mặc dù chiếm tới 40% diện tích nuôi tôm sú cả nước, nhưng trong số 819 trại sản xuất giống thì có đến 300 trại nằm ngoài quy hoạch. Còn số trại trong quy hoạch thì 50% lại không đạt tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các trại đều không đem con giống đi kiểm dịch do chi phí cao.
Để tăng sản lượng con giống chất lượng cho thị trường, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết, cuối năm 2011 sẽ chuyển giao 100.000 con cá tra hậu bị cho ĐBSCL. Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II cũng đang cho nhân giống đàn cá bố mẹ hậu bị để chuyển giao cho các trại giống, bảo đảm sản xuất khoảng 2,5 đến 2,6 tỷ con giống cho năm 2011. Hiện, Viện đang gấp rút xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về giống cá tra, cá basa để chuyển cho các địa phương.
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://danviet.vn/39823p1c34/ton-that-lon-vi-giong-kem-chat-luong.htm


Tin khác