Có thể nói, chưa bao giờ điều kiện thời tiết, khí hậu lại có những biểu hiện bất thường như vụ xuân này.
Mặc dù các dự báo đã tiên lượng trước rằng “rét đậm rét hại” vào các tháng chính đông, nhưng ít ai ngờ rằng, rét đậm, rét hại, rét đến tê cóng và có băng có tuyết lại xảy ra ở miền Bắc vào sau cả tiết Lập xuân. Nhìn cây bàng, cây xoan chỉ toàn những cành khẳng khiu, mãi không bật được chồi mới biết cái rét của vụ xuân này khác thường đến mức nào, nhiều cụ già diện “lão nông tri điền” có kinh nghiệm đầy mình trong việc “xem cây chỉ thị đoán trời” cũng phải thốt nên rằng, năm nay bất thường, quá bất thường, và nét lo lắng cũng không khỏi hiện rõ trên những khuôn mặt một nắng hai sương.
Các cụ nói với tôi rằng: Có lẽ mất mùa anh ạ. Tôi dự một cuộc họp chỉ đạo bổ khuyết sản xuất ở một huyện vào ngoài 20/3, các chủ nhiệm và cả lãnh đạo huyện cũng lo lắng hỏi rằng: Liệu có chỉ đạo cho bà con dặm tỉa, chăm sóc nữa không, nhiều người bi quan lắm, tính từ ngày cấy cây lúa xuống đất đã gần 2 tháng mà vẫn chỉ nhìn thấy cây mạ, bình thường lẽ ra lúa đã đẻ rộ và không ít ruộng kín đất rồi. Họ hỏi tôi, anh thấy thế nào, ngành chỉ đạo ra sao?
Tôi, từ góc độ quan sát và tổng kết nhiều vụ, nhiều năm, nói rằng, xin bình tĩnh và đừng bi quan, chúng ta ngồi đây ai cũng thấy thực tế những năm rét đậm, rét hại thường là năm được mùa đó sao, chí ít thì cũng phải bằng năm trước; cá nhân tôi nhận định như vậy, cái lo ngại của tôi là sâu bệnh hại với những diễn biến khó lường. Lúa vụ xuân có một đặc điểm đặc biệt là: lúa vừa làm đòng vừa tốt, tôi chỉ ra cho một vài chủ nhiệm kỳ cựu những năm rét, những vụ xuân rét ở những chân ruộng cụ thể mà tôi và họ đã đi thăm, lúc trước trổ tận cuối tháng 4 nhìn lúa còn xấu như “lông bò” thế mà lúc lúa chín quay xuống ruộng đấy chả kém gì xung quanh, họ ngồi im và gật gù: đúng thế.
Về cơ sở khoa học tôi xin được phân tích rằng: Chả riêng gì cây lúa, mọi loại cây trồng có các ngưỡng nhiệt nhất định. Với cây lúa xuân nhiệt độ dưới 15 độ C là ngừng sinh trưởng, dưới 10-12 độ C là nhiệt độ gây hại, gây chết, ngưỡng nhiệt từ 15- 20 hoặc 22 độ C sinh trưởng chậm, và ngưỡng nhiệt thích hợp là trên 23 độ C, ngưỡng tối thích là 27-30 độ C. Suốt cả giai đoạn dài từ gieo, cấy xuống đến nay có ngày nào ở ngưỡng nhiệt thích hợp đâu, nhổ cây lúa lên bộ rễ lưa thưa, yếu ớt, chưa có rễ thì làm sao hút tốt được dinh dưỡng mà sinh trưởng được.
“Gió đông là chồng lúa chiêm” và “lúa chiêm (xuân) lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên”… Nếu cây lúa xuân “bị nén” càng chặt, càng chậm bao nhiêu thì khi gặp ngưỡng nhiệt tối thích nó sẽ “bung” càng nhanh càng mạnh bấy nhiêu. Với ngưỡng nhiệt suốt các tháng 1, 2 và tháng 3 đều thấp hơn trung bình nhiều năm, tháng 1, tháng 2 thấp nhất trong 5 năm gần đây, và đặc biệt không vượt quá ngưỡng nhiệt 22oC, như vậy thời gian lúa trổ của vụ xuân này chắc chắn sẽ bị kéo dài 10-15 ngày so với mọi năm. Tuy nhiên với các giống lúa ngắn ngày gieo cấy phổ biến trong vụ xuân, ở Thái Bình thời gian trỗ đại trà sẽ vào 20- 25/5 dương lịch, như vậy chúng tôi cũng không lo trổ muộn và nguy cơ gió tây nóng.
Cái phải tính và phải lường chính là sự đẩy lùi và chèn ép thời vụ trà lúa mùa sớm. Để giải quyết vấn đề này, cần tác động tổng hợp các biện pháp ngay từ vụ xuân. Đầu tiên đó là chăm sóc, và làm sao để rễ lúa ra được nhanh, khỏe hơn; khuyến cáo quan trọng nhất là giữ được lớp nước đều trên mặt ruộng, nước như áo ấm với lúa xuân; khi cây lúa bắt đầu ra rễ cần xúc tiến cho rễ ra khỏe hơn bằng các chất hỗ trợ sinh trưởng, hỗ trợ ra rễ.
Thái Bình khuyến cáo nông dân dùng Antracon, KH, 3M, ET, Boom, Yogen... và bổ sung cho chân ruộng chua phèn bằng lân ngâm nước giải trộn tro bếp, phân vi sinh Azotobacterin, kết hợp dặm tỉa, khua khoắng cho thông khí, bón sớm phân thúc với các loại phân NPK chuyên thúc, NPK hàm lượng đạm, kali cao...
Cũng phải nói thêm rằng, nếu giống lúa ưu thế lai với vụ xuân rét hoặc ấm cũng chả có gì đáng lo ngại, vì ưu thế của tính chống chịu thể hiện khá rõ trong những vụ có điều kiện bất thuận, chỉ các giống chất lượng, chịu rét kém mới bì bạch mãi không ra được rễ, gieo sạ, gieo vãi do rễ ăn nông cũng bị ảnh hưởng và sinh trưởng chậm. Nhưng nếu xử lý khoa học, đúng hướng dẫn thì “đâu vào đấy cả”.
Cho đến thời điểm này, không chỉ ở Thái Bình, chắc nhiều nơi lúa cũng đã như “hóa”, mới hôm sau so hôm trước đã khác, để 1 tuần mới ngó ruộng sẽ bất ngờ sự bùng nổ về sinh trưởng của lúa nhanh đến vậy. Có 80-85% diện tích lúa đã đẻ kín đất với số dảnh cơ bản bình quân trên 10 dảnh/khóm, cây lúa bành ra và mơn mởn sức sống, lá xanh sáng và bộ rễ đã vươn dài, to mập. Mấy trăm ha lúa nhóm Japonica cấy theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã phân hóa đòng bước 3-4, lúa chật đất và sạch bong chưa vết bệnh. Lúa đại trà bắt đầu giai đoạn hình thành đòng, và thời điểm lúa trỗ sẽ quay xung quanh 20 tháng 5. Các biện pháp tác động cũng hy vọng rút ngắn được vài ngày.
Thái Bình đã có công văn chỉ đạo và các chương trình khoa giáo hướng dẫn nông dân tập trung bón tăng kali khi lúa đẻ kín đất, sau vài ngày tháo nước phơi ruộng đến se mặt trong 5-7 ngày để rễ lúa ăn xuống, tăng sức chống đổ hạn chế dảnh vô hiệu. Ngành cũng chỉ đạo và giao các đơn vị chuyên ngành canh coi chặt chẽ phát hiện kịp thời các ổ sâu bệnh, nhất là đạo ôn, lùn sọc đen, rầy và sâu cuốn lá, đục thân, hướng dẫn phòng trừ và xử lý kịp thời, không để lan rộng, và vụ xuân 2011 đến thời điểm này vẫn tràn trề hy vọng thắng lợi.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/77320/Default.aspx