Lại chặt cà phê, lấy đất trồng tiêu

21/04/2011

Hồ tiêu bán được giá cao, nhiều chủ vườn tiêu trúng lớn nên theo đó, rất nhiều hộ nông dân ở Gia Lai phá bỏ vườn cà phê để lấy đất trồng tiêu. Điển hình là ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai) với hàng chục hộ đang ồ ạt chặt phá những vườn cà phê của mình.

Giá hồ tiêu tại Gia Lai đến thời điểm này đã lên đến 110.000 đồng/kg. Chưa dừng lại ở đây bởi theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thì, trong thời gian tới, giá hồ tiêu có thể tăng từ 120.000 đồng đến 130.000đồng/kg. Giá hồ tiêu tăng mạnh đã làm cho nhiều gia đình chỉ sau một giấc ngủ, sáng hôm sau cân bán hồ tiêu đã thu về hàng trăm triệu đồng.
Hộ anh Trần Đình Phê ở huyện Chư Pah trồng được trên 300 trụ tiêu, thu hoạch gần 9 tạ tiêu hạt. Gia đình anh đã bán trước hơn một nửa số tiêu thu được, còn gần 4 tạ, anh vừa bán cách đây hai hôm với giá 110.000 đồng/kg, thu về gần 50 triệu đồng. Anh nói: “Do kẹt tiền cho con đi học nên phải bán trước hơn một nửa với giá chưa đến tám mươi ngàn đồng mỗi ký. Bây giờ hồ tiêu được giá cao nên tiếc quá. Giá mà để cho đến bây giờ thì…trúng to”. Tuy nhiên, anh Phê cũng cho biết thêm: mặc dù có thông tin hồ tiêu còn tiếp tục lên giá, song anh vẫn quyết định bán bởi “giá một trăm mốt (110.000 đồng/kg- PV) là được lắm rồi. Biết đâu mấy ngày nữa giá tiêu không lên mà lại tụt xuống thì cay lắm!”.
Ở Chư Pah và Chư Sê, do diện tích tiêu đã ổn định nên mặc dù giá tiêu hạt lên cao, nông dân vẫn yên tâm với vườn tiêu của mình mà không mở rộng thêm diện tích. Còn ở một số nơi khác, thấy hồ tiêu được giá cao, bà con đã ồ ạt chặt phá cà phê hoặc các loại cây ăn quả klhác, lấy đất trồng hồ tiêu.
Chị Đồng Thị Hậu ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) có vườn tiêu 100 trụ, vụ vừa rồi chị thu gần 3 tạ tiêu hạt. Do không mấy khó khăn nên chị để dành đến cách đây vài hôm, chị bán với giá 110.000 đồng/kg, được trên 30 triệu đồng. Chị nói: “Trồng tiêu dễ hơn trồng cà phê, từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch, bảo quản. Năm nay hồ tiêu được giá nên tôi quyết định phá bỏ một nửa vườn cà phê để lấy đất trồng tiêu”. Vậy là, một nửa vườn cà phê của nhà chị, đang phát triển bình thường đã bị chặt bỏ, để sắp tới thay vào đó sẽ là những trụ tiêu non.
Chặt bỏ cà phê và các loại cây ăn quả khác (nhưng chủ yếu vẫn là cà phê) để lấy đất trồng tiêu, đang là chuyện không bình thường ở xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông). Đây là biểu hiện của sự chạy theo thị trường một cách thiếu tính toán, do vậy sẽ dẫn đến rủi ro cao.
Cũng như chị Hậu, gia đình anh Trần Văn Phú ở xã Bàu Cạn cũng đang đồng loạt chặt bỏ vườn cây ăn quả của mình với mít, bơ, cùng trên 100 gốc cà phê để lấy đất trồng tiêu. Anh Phú nói: “Gia đình tôi chưa bao giờ trồng tiêu. Năm nay thấy tiêu được giá, nhà người ta thu hàng chục triệu, nghe đâu bên Chư Sê, Chư Pah có nhiều nhà thu hàng trăm triệu, thậm chí có nhà thu trên tỷ bạc từ hồ tiêu mà thấy sốt ruột. Vậy nên tôi quyết định chặt bỏ toàn bộ vườn cây ăn trái cùng một ít cà phê để lấy đất trồng tiêu”.
Chúng tôi tìm đến thôn Ia Mua (xã Bàu Cạn). Chỉ một đoạn đường ngắn chưa đến 5 cây số, nhưng có rất nhiều vườn cà phê cùng một số vườn cây ăn trái bị chặt hạ nham nhở. Người ta đang tích cực đào bỏ gốc cà phê, làm lại mặt bằng để chuẩn bị trồng tiêu. Anh Trần Đình Tân - một nông dân đã có gần 40 năm gắn bó với cây cà phê, vụ vừa rồi thu hoạch được 4 tấn cà phê, bán với giá 40 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí thì cũng không lãi bao nhiêu. Có nhiều năm, giá cà phê xuống thấp đến đáy, nhưng anh vẫn trung thành với cây cà phê để chờ năm sau. Tuy nhiên năm nay theo anh thì: “Trồng cà phê vất vả mà lãi không bao nhiêu. Năm nay thấy mọi người trồng tiêu trúng to mà mình sốt ruột. Chắc là tôi phải phá bỏ bớt một diện tích cà phê để trồng tiêu”.
Một số thôn khác ở xã Bàu Cạn nông dân cũng đang ồ ạt phá bỏ cà phê để lấy đất trồng tiêu. Bình quân mỗi nhà chặt bỏ từ 200-500 gốc cà phê. Một nông dân tính toán: “Nếu phá bỏ 100 cây cà phê thì sẽ thay thế vào đó được 100 gốc tiêu. Chúng tôi chỉ bỏ một phần cà phê để lấy đất trồng tiêu vì hiện tại chưa đủ kinh phí để trồng mới hồ tiêu đại trà”. Một nông dân khác thì dè dặt hơn: “Nhà tôi chỉ phá một phần ba diện tích cà phê để lấy đất trồng tiêu. Không phải là thiếu tiền đầu tư trồng mới hồ tiêu, mà là sợ năm nay hồ tiêu được giá, nhưng không biết năm sau và những năm sau nữa có giữ được giá ấy hay không. Chẳng lẽ lúc lấy lại… phá tiêu để trồng lại cà phê?”.
MƯA LỚN TRẢI ĐỀU TRÊN CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN
Trong mấy ngày trở lại đây, nhiều cơn mưa rào với cường độ lớn, thời gian kéo dài đã rải đều khắp các tỉnh Tây Nguyên, giải “cơn khát” suốt mấy tháng trời do thiếu nước, khô hạn ở đây. Những trận mưa quý giá này đã giải quyết những khó khăn về nước sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, vốn đã phải chịu từ hàng mấy tháng nay.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/77300/Default.aspx


Tin khác